(SGTTO) - Gần đây, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM điều trị cho nhiều bệnh nhân dị ứng, phồng rộp, lở loét da do sử dụng kem trộn trị nám gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng sống.
Do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường nên tỷ lệ mắc nám da có xu hướng tăng khoảng 60-70% và ngày càng trẻ hóa.
Không nên dễ dãi với làn da
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nữ, 26 tuổi, ngụ tại tỉnh Đăk Lăk. Chị T. đến khám với tình trạng ngứa nhiều, sẩn viêm, mụn mủ, vết xước do gãi và sạm đen toàn bộ vùng mặt, cổ giới hạn không rõ, bề mặt loang lổ. Trước đó chị T. đã tự điều trị nám tại nhà bằng một loại kem trộn không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng, sau vài ngày chị bị ngứa rát nhẹ, bong vảy vùng mặt và cổ. Lo lắng vì tổn thương da mặt ngày càng nhiều, chị T. đến một spa ở gần nhà để điều trị thì được cơ sở này cho thuốc thoa không rõ loại. Khi thoa loại thuốc này chị T. thấy mặt ngứa nhiều hơn, tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của spa sau vài tuần tình trạng ngứa tăng lên và da mặt càng ngày càng sạm đen, xuất hiện thêm nhiều mụn mủ, sẩn viêm.
Bác sĩ chẩn đoán chị T. được chẩn đoán ban dạng trứng cá và tăng sắc tố sau viêm trên nền bệnh nám da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ngay sau đó, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị cho chị T. bằng thuốc bôi, thuốc uống, chống nắng và sử dụng laser picosecond. Kết quả sau 8 tuần điều trị, tình trạng da dần được cải thiện, hết ngứa, sẩn viêm và mụn mủ.
Theo ThS BS. Trần Ngọc Khánh Nam – Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các loại mỹ phẩm trôi nổi nói trên hoàn toàn không mang lại hiệu quả như mong đợi mà ngược lại sẽ làm da khô, sần sùi hoặc tăng tiết dầu khiến tình trạng nám nặng nề hơn, thậm chí gây kích ứng, dị ứng da.
BS. Khánh Nam cho biết, nám da là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ ngoài tuổi 30. Ở nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, tỷ lệ mắc nám da có xu hướng tăng khoảng 60-70% và ngày càng trẻ hóa. Nám da là tình trạng tăng sắc tố melanin quá mức, vùng da mặt hình thành từng mảng đậm màu.
Nám da hình thành do nhiều yếu tố trong đó có di truyền, nội tiết, tác dụng của tia cực tím… Các vết nám thường xuất hiện ở vùng mặt gây mất thẩm mỹ, thiếu tự tin, thậm chí mặc cảm trong giao tiếp. Nguy hiểm hơn, với mong muốn điều trị nám da một cách nhanh chóng, không ít trường hợp người bệnh đã nghe theo những quảng cáo trên mạng internet, sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường khiến tình trạng nám da trở nên nghiêm trọng, khó điều trị hơn.
Điều trị nơi uy tín, giảm tốn kém
Để điều trị nám da cũng như khắc phục các trường hợp biến chứng do người bệnh tự ý thoa các loại thuốc không rõ nguồn gốc cần thời gian lâu dài kết hợp với ý thức chăm sóc da của người bệnh thì mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Tùy vào mức độ nám mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị bao gồm thuốc và sử dụng các máy laser tiên tiến. Thông thường, sau 4-6 lần điều trị bằng laser, mỗi lần cách nhau 4-6 tuần thì mới thấy được hiệu quả.
Để điều trị nám da, có thể áp dụng các dạng thuốc bôi lột da như hydroquinone 4%, kem azelaic acid 20% phối hợp với kem triamcinolone; peeling bằng hóa chất và sử dụng laser. Laser tiên tiến nhất hiện nay là laser picosecond, hiện cũng đang được triển khai tại Khoa Da liễu Thẩm mỹ da BV ĐHYD TPHCM.
ThS BS. Trần Ngọc Khánh Nam khuyến cáo, người bệnh có các vấn đề về da nên đến các cơ sở chuyên khoa Da liễu có uy tín để được khám, tư vấn và chỉ định đúng phương pháp điều trị. Việc tự ý sử dụng các loại kem, thuốc bôi trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm, có thể khiến da bị tổn thương nặng và chi phí điều trị tốn kém hơn.
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên tuân thủ theo các lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng thuốc, phương pháp bảo vệ da, chế độ sinh hoạt và tái khám đúng hẹn. Người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh nắng tối đa đặc biệt vào giờ cao điểm và bôi kem chống nắng đúng cách hàng ngày. Điều này góp phần quan trọng vào việc chăm sóc và bảo vệ da lâu dài sau khi đã được can thiệp điều trị.
Hoàng Nhung