(SGTT) - Ngày 9-5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM sẽ ban hành hướng dẫn để triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn thành phố.
- Sau Tết, TPHCM cần 30.000 lao động với mức lương 6-10 triệu đồng
- Hơn 50% doanh nghiệp tại TPHCM gặp khó khăn khi thưởng Tết cho người lao động
- Nhiều chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động
TPHCM sắp triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Ngày 8-5, trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp - chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh” của TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết ngày mai (9-5), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM sẽ ban hành hướng dẫn để triển khai Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính Phủ trên địa bàn thành phố (PV: Quyết định 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động).
Theo ông Lâm, có hai nhóm đối tượng lao động được hỗ trợ tiền thuê. Nhóm thứ nhất, người lao động đang ở trọ thuê từ ngày 1-2 đến 30-6, có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên trước ngày 1-4-2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với trường hợp người không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có bảng lương của doanh nghiệp xác nhận ở tháng liền kề. Mức hỗ trợ với nhóm lao đồng này là 500.000/người/tháng và tối đa không quá ba tháng.
Nhóm thứ hai, người lao động có khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến 30-6 có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (trừ trường hợp hợp đồng lao động nối tiếp); đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với trường hợp người không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có bảng lương của doanh nghiệp xác nhận ở tháng liền kề. Mức hỗ trợ với nhóm lao đồng này là 1.000.000 triệu đồng /người/tháng, tối đa không quá ba tháng và chi trả theo hằng tháng hoặc gộp 2-3 tháng.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, việc chi trả hỗ trợ cho người lao động sẽ được thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể, người lao động sẽ điền đơn theo mẫu của Quyết định 08 và có xác nhận của chủ nhà trọ.
Sau đó, doanh nghiệp lập danh sách và gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong hai ngày Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ phê duyệt, chuyển về cho UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức ra quyết định chi trả. Sở đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để qua tuần sau sẽ triển khai phần này.
Trả lời về vấn đề nguồn lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết từ ngày 1-10-2021, TPHCM bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Trong thời điểm này, có 60% doanh nghiệp hoạt động trở lại với quy mô lao động khoảng 80% trở lại làm việc. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, có 95% doanh nghiệp hoạt động trở lại với 273.000 người lao động quay lại làm việc.
Tại TPHCM, với khoảng 127 trung tâm dịch vụ việc làm, trong đó chủ lực là Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM và trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên (thuộc Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TPHCM), các đơn vị này có chức năng cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng việc làm có thể truy cập website: www.vieclamhcm.net (thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM) để cập nhật thêm thông tin về người lao động.
Ông Lâm cho biết, từ tháng 1-2022 đến nay, trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức 58 phiên giao dịch việc làm với 43 phiên trực tuyến, 15 phiên trực tiếp, tư vấn cho 44.800 lượt lao động và giới thiệu cho hơn 16.400 người có việc làm.
Doanh nghiệp “khát” lao động những tháng đầu năm
Đại diện các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố, ông Đào Quốc Cường, Giám đốc thường trực Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho biết sau thời gian gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng của Covid-19, từ quí 4 (năm 2021), doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động sản xuất trở lại. Cũng như những doanh nghiệp khác tại các khu công nghiệp chế xuất, doanh nghiệp này vẫn còn rất nhiều đơn hàng không kịp giao và tiếp tục nhận thêm các đơn hàng mới.
Hiện đơn vị này vẫn liên tục tuyển dụng lao động nhưng vẫn còn thiếu 50 lao động phổ thông và 20 lao động kỹ thuật.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, ông Quốc Cường cho rằng tuyển dụng lao động là vấn đề cấp bách trong thời gian sắp tới. TPHCM cần có những chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động; đồng thời các sàn giao dịch việc làm cũng cần cung cấp kịp thời lực lượng lao động để doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng, nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vật giá leo thang nên “tỷ lệ thôi việc trong hai năm gần đây tăng rất cao. Cụ thể, những năm trước đây, tỷ lệ nghỉ việc sau Tết dao đông từ 1-1,5%. Tuy nhiên, trong đầu năm 2021 và 2022, tỷ lệ nghỉ việc sau Tết Nguyên đán tăng gấp đôi từ 3-3,5%”, Giám đốc thường trực Công ty TNHH Juki Việt Nam thông tin.
Theo ông Quốc Cường, các doanh nghiệp và chính quyền thành phố cần có giải pháp, chính sách chăm lo để giữ chân người lao động làm việc như giúp công nhân mua được hàng bình ổn giá, giảm chi phí thuê trọ, khoản tiền đi nhà trẻ cho con của người lao động…
Có mặt trong chương trình, ông Lê Trương Hải Hiếu, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân TPHCM, kiêm Trưởng ban kinh tế ngân sách, Hội đồng nhân dân TPHCM, cho biết khi TPHCM mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, thành phố luôn có các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt nhất.
Theo ông Hiếu, đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp trên địa bàn cần sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Qua khảo sát, lãnh đạo thành phố nhận thấy vấn đề quan trọng nhất là nguồn lao động, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp…
Minh Thảo