Đông Hòa -
Bác sĩ Nguyễn Minh T., sau một thời gian làm việc ở một bệnh viện công lớn ở TPHCM, đã bỏ tiền đầu tư phòng khám ngoài giờ tại nhà để tận dụng mặt bằng căn nhà của gia đình cũng như kinh nghiệm và uy tín nhiều năm gắn bó với nghề. Nhờ có uy tín nhiều năm làm việc ở bệnh viện công, nên khi phòng khám hoạt động, lượng bệnh nhân tới khám sau 5 giờ chiều đông tới mức phải lấy số thứ tự.
Sinh viên điều dưỡng đang thực tập trong bệnh viện.
Có chuyên môn giỏi, có máy siêu âm, nội soi… và có đông bệnh nhân nhưng sau một thời gian ngắn bác sĩ T. không còn hào hứng như những ngày đầu, bởi chị không thuê được điều dưỡng viên phụ giúp, vậy nên một mình chị phải làm việc cật lực, từ những việc cỏn con như đo huyết áp, quay qua siêu âm, quay lại nội soi, quay qua gõ máy tính vào sổ theo dõi, kê đơn… Thực ra lúc đầu chị cũng thuê được điều dưỡng viên làm bán thời gian phụ giúp để chị làm thuần túy chuyên môn nhưng người này làm vài hôm phải nghỉ vì làm bán thời gian cho 2-3 phòng khám.
Nhưng không phải chỉ chị T. mà các phòng khám tư nhân hay bệnh viện tư nhân mới mở hiện nay không phải dễ kiếm nhân viên điều dưỡng, một nghề mà hơn chục năm trước ít người quan tâm, thậm chí trước đó chẳng có trường lớp nào đào tạo.
Theo Bộ Y tế, để phát triển nhân lực y dược, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thì Việt Nam phải đạt tỷ lệ 20 điều dưỡng viên từ trung cấp trở lên/10.000 dân và năm 2020 đạt tỷ lệ 25 điều dưỡng/10.000 dân. Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết nguồn nhân lực điều dưỡng hiện nay thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn. Việc thiếu nhân lực điều dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sức khỏe của người điều dưỡng.
Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì tại bệnh viện, 1 bác sĩ cần 4 điều dưỡng trong khi ở nước ta tỷ lệ này là 1 bác sĩ chỉ có 1,6 điều dưỡng, được xem là thấp nhất khu vực Đông Nam á, trong khi ở Philippines là 5,1; Indonesia là 8 và Thái Lan là 7.
Khi xã hội phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cấp thiết hơn và điều dưỡng viên giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, là người phụ trách công tác điều dưỡng, tức là kiểm tra tình trạng bệnh nhân, kê toa thuốc theo lệnh bác sĩ và chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân. Tại Việt Nam, hiện có 12 trường đại học y, 20 trường cao đẳng y, ngoài ra còn một số trường trung cấp y đào tạo chuyên ngành điều dưỡng. Do vậy sẽ không có gì lạ khi có điều dưỡng ở bệnh viện có bằng cử nhân điều dưỡng, chuyện mà trước năm 2000 chẳng ai quan tâm tới nghề điều dưỡng.
Theo ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, hội được thành lập năm 1990, điều dưỡng hiện nay ở Việt Nam đang manh nha phát triển như thế giới, đó là dịch vụ công cộng thiết yếu, quan trọng đối với từng cá nhân chứ không đơn thuần chỉ trong bệnh viện hay phòng khám như nhiều người nghĩ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72,8 tuổi (năm 2009) và năm nay đã tăng lên 75 tuổi và sẽ còn tăng trong những năm tới và Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ già hóa dân số nhanh ở châu Á, cứ 10 người dân có 1 người già (từ 60 tuổi trở lên). Nghĩa là sắp tới nhu cầu chăm sóc y tế cho người già ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với nhu cầu điều dưỡng viên cũng tăng theo.
Do vậy không có gì lạ khi không ít du học sinh Việt Nam hiện nay sang một số nước phát triển không phải chỉ để học những ngành thời thượng, mà học điều dưỡng, nhất là Nhật Bản, nơi có nghề điều dưỡng phát triển mạnh và nhu cầu việc làm điều dưỡng cao.
Hiện một số cơ sở đào tạo ngành y có đào tạo điều dưỡng hợp tác với các tổ chức nước ngoài để xuất khẩu lao động điều dưỡng viên, nhất là sang Nhật Bản. Hiệp hội Bệnh viện Nhật Bản trong một hội thảo giữa năm nay cho biết, trong 10 năm tới, nước này cần 700.000 nhân viên chăm sóc y tế nhưng người Nhật chỉ có thể đảm nhiệm hơn một nửa, phần còn lại là lao động ngoài nước, trong đó có Việt Nam. Như trong năm nay, Hiệp hội Đào tạo nhân lực Việt Nhật (Javida) qua một công ty đã tuyển 500 ứng viên cho chương trình làm việc điều dưỡng tại Nhật Bản theo hình thức du học nghề. Người học sẽ được miễn 100% học phí, ăn ở trong thời gian đào tạo hai năm rưỡi tại nước này, được cấp bằng điều dưỡng quốc gia Nhật và nhận lương và chế độ như người Nhật.
Ông Mục cho biết Việt Nam đã ký thỏa thuận khung thừa nhận văn bằng và dịch vụ điều dưỡng nội khối ASEAN và ký hiệp định đối tác về hợp tác kinh tế với Nhật Bản và Đức, trong đó có điều khoản về cử điều dưỡng Việt Nam sang lao động, thực tập sinh các nước. Đến nay, Việt Nam đã cử sang Nhật Bản gần 500 ứng cử viên tham gia chương trình thực tập sinh là điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học.
Hiện Nhật Bản đã đưa chế độ thực tập sinh kỹ năng vào làm việc để bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu, trong khi đó nếu Việt Nam đưa điều dưỡng sang Nhật Bản sẽ thu lại được kỹ năng chăm sóc và đào tạo được nhân viên trong tương lai. Tuy nhiên để trở thành điều dưỡng viên của Nhật Bản, điều dưỡng đã tốt nghiệp cao đẳng hay đại học của Việt Nam phải trải qua kỳ thi chứng chỉ quốc gia Nhật Bản mới được công nhận là điều dưỡng.
Nhưng trước khi trở thành điều dưỡng viên làm việc tại Nhật Bản có mức thu nhập hấp dẫn nhiều lao động Việt Nam thì các điều dưỡng viên vẫn có khá nhiều cơ hội việc làm trong nước. Đó là các bệnh viện công cũng như các cơ sở y tế tư nhân ngày một nhiều mà vốn dĩ các cơ sở y tế này thường chú trọng tới dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, thậm chí là những công việc bán thời gian ở các phòng khám ngoài giờ như trường hợp phòng khám của bác sĩ T. như đã nói ở phần đầu.