Diễn đàn đầu tư Việt Nam với chủ đề “Kỷ nguyên mới về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” đã được tổ chức tại London ngày 30-3 nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư của Anh vào Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh đất nước mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
- Diễn đàn Kinh tế xanh: Thích ứng và Phát triển hậu đại dịch
- Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022: Hướng tới du lịch xanh, an toàn
Thông điệp chuyển tải tại sự kiện là Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng và đang thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng xanh.
Diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh năm 2022” do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức, sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Đầu tư Anh Lord Gerry Grimstone, Quốc Vụ khanh Văn phòng nội các Anh Heather Wheeler, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về thương mại với Việt Nam Graham Stuart, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh và đông đảo các nhà đầu tư và doanh nghiệp hai nước.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã được cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như các cơ hội đầu tư và thương mại từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), được ký kết vào tháng 12-2020 và chính thức có hiệu lực từ tháng 5-2021.
Theo TTXVN, tại diễn đàn, các đại biểu cũng thảo luận về tiềm năng đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh tại Việt Nam cũng như các cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính từ Anh cho các dự án phát triển xanh.
Đánh giá về tiềm năng của Việt Nam trong phát triển chuyển đổi số – một trong những chủ đề chính của Diễn đàn, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định trong 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng.
Ông cho biết trong năm qua, Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ nhiều nội dung chuyển đổi số quan trọng, nổi bật là việc chính phủ đã ban hành khung pháp lý để thực hiện chuyển đổi số, giúp mọi giao dịch trên môi trường số có bước chuyển biến lớn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, theo đó tới giai đoạn 2023-2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Ông khẳng định cùng với sự bùng nổ về thanh toán trực tuyến với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong thời gian qua, Việt Nam đang rất tự tin hướng đến mục tiêu chuyển đổi số một cách thực chất trong thời gian sắp tới.
Đề cập đến tầm quan trọng của chuyển đổi số, Quốc Vụ khanh Văn phòng nội các Anh Heather Wheeler nhận định việc tạo ra và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số hiệu quả giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh thế giới phục hồi sau đại dịch, các quốc gia tăng cường giao thương cũng như cùng tham gia vào nỗi lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Bà Heather Wheeler cho biết trong hơn 10 năm qua, Anh đã trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử. Bà bày tỏ hy vọng Việt Nam và Anh sẽ tăng cường hợp tác kỹ thuật số và sẽ gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực này.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển công nghệ số với nhiều lợi thế. Vị chuyên gia công nghệ này cũng chia sẻ Việt Nam đứng thứ 10 trên thế giới về đào tạo công nghệ và có nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) dồi dào, với hơn 1 triệu nhân sự, và con số này mỗi năm tăng thêm 80.000 người.
Theo ông Trương Gia Bình, ngành ICT tại Việt Nam đang tăng trưởng 17%/năm, đạt giá trị 125 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Việt Nam cũng đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu điện thoại di động và đứng thứ sáu trên thế giới về dịch vụ phần mềm, với mức tăng trưởng 25%/năm ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi số từ cấp trung ương đến địa phương.
Về tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng xanh và bền vững của Việt Nam – một chủ đề quan trọng khác tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh khí hậu và địa hình của Việt Nam khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và mặt trời, có triển vọng đầu tư rất hấp dẫn.
Với hình dạng địa lý dài và hẹp với hơn 3.000km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi, Việt Nam có nguồn tài nguyên lớn để phát triển năng lượng gió.
Về năng lượng mặt Trời, là nước nằm ở gần khu vực xích đạo, Việt Nam có tổng số giờ nắng lên cao tới 2.500 giờ/năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất điện Mặt Trời được lắp đặt toàn diện nhất Đông Nam Á với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020.
Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời cao nhất toàn cầu năm 2020.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định với tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo cũng như định hướng và quyết tâm bằng hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, đây là thời điểm không thể thuận lợi hơn để các doanh nghiệp Anh tìm hiểu và xúc tiến các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Ông nhấn mạnh Anh có thể trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với các dự án về chuyển đổi số và phát triển năng lượng xanh và sạch, những lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng và có ảnh hưởng mang tính chiến lược đối với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Điện gió Toàn cầu, đồng tình rằng tiềm năng hợp tác phát triển điện gió giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đã đề ra những mục tiêu tham vọng về trung hòa khí thải.
Ông chỉ ra rằng trong khi Việt Nam có nguồn tài nguyên lớn về năng lượng gió ngoài khơi, Anh là một quốc gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này và có thể chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác trong quản lý mạng lưới điện, một lĩnh vực mà Anh có thế mạnh.
Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết Việt Nam là cái tên đang được chú ý đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên thương trường thế giới.
Trong con mắt cộng đồng quốc tế nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng vị thế của Việt Nam tại khu vực đã cao hơn so với thời kỳ trước COVID-19 với thành công đầy ấn tượng của chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 của chính phủ.
Sức cạnh tranh của Việt Nam trong những năm gần đây cũng tăng cao nhờ ổn định chính trị và chính sách đầu tư cởi mở, nhất quán của chính phủ trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những bất ổn địa chính trị.
Ông Ian Gibbons, Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Anh-ASEAN (UKABC), cũng nhận định Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đúng đắn với việc tạo ra một môi trường kinh doanh và đầu tư cở mở và minh bạch.
Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam và Anh đã hợp tác rất tốt trong việc xúc tiến thương mại và đầu tư, chỉ ra rằng các doanh nghiệp Anh đầu tư tại Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ hai chính phủ để thành lập mới hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến dịch vụ công nghệ thông tin.
Ông Ian Gibbons tin rằng đầu tư của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam sẽ giúp đất nước tăng trưởng bởi đây là mối quan hệ hợp tác đầu tư bền vững.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng tiềm năng hợp tác còn rất lớn, cũng như những cơ hội đầu tư hấp dẫn vẫn còn chờ đón trong tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như phát triển xanh và bền vững, thương mại số, là các chủ đề được thảo luận trong Diễn đàn.
Kim ngạch thương mại hai chiều Anh-Việt Nam năm 2021 đạt 6,6 tỉ đô la, tăng 17,2% so với năm 2020 và tăng gần gấp đôi so với kim ngạch năm 2010. Đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam năm 2021 cũng tăng 157% so với năm 2020, đưa Anh trở thành một trong 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.
Theo TTXVN