(SGTT) - Vượt gần 2.000 km, ông Vũ Đức Tuấn, diêm dân tại đồng muối Tam Đồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã đưa kiệu Bà Chúa Muối vào Bạc Liêu tham dự Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu, mang theo niềm tự hào khi giới thiệu nét tín ngưỡng đặc trưng của nghề muối đối cho người miền Nam.
- Festival nghề muối Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu
- Festival nghề Muối Việt Nam diễn ra tại Bạc Liêu vào tháng 3-2025
"Giờ mới biết có Bà Chúa Muối"
Hòa nhịp trong không khí đông đúc của hàng trăm gian hàng đến từ khắp mọi miền đất nước trong Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu diễn ra từ ngày 6 đến 8-3-2025 tại Bạc Liêu, ông Vũ Đức Tuấn, người đã dành hơn 50 năm gắn bó với hạt muối – không chỉ mang đến lễ hội sản vật quê hương mà còn đại diện cho diêm dân đồng muối Tam Đồng, huyện Thái Thụy, đưa kiệu Bà Chúa Muối từ Phủ thờ tại Thái Bình vào Bạc Liêu.

Theo lời ông Tuấn, Bà Chúa Muối chính là người đầu tiên nghĩ ra cách trao đổi sản vật nông nghiệp, đặt nền móng cho việc buôn bán và hình thành những cộng đồng diêm nghiệp. Chính nhờ công lao ấy, bà được tôn vinh, thờ phụng qua nhiều thế hệ, trở thành vị thần bảo hộ của diêm dân. Tín ngưỡng dân gian này đã được cộng đồng bảo tồn, thực hành hơn 700 năm qua và cũng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Trong 4 ngày tham gia lễ hội Festival nghề muối, câu nói mà ông Tuấn nghe được nhiều nhất là "giờ mời biết có Bà Chúa Muối". Nhưng thay vì buồn phiền, ông Tuấn cho biết, ông lại thấy vui vì có cơ hội giới thiệu đến cộng đồng diêm dân khắp nơi về một nét văn hóa độc đáo gắn liền với nghề muối Việt Nam.
"Bà Chúa Muối là một nhân vật có thật, bà là niềm tin, điểm tựa tinh thần của chúng tôi. Suốt bao đời nay, không chỉ có người dân Thái Bình mà với nhiều người làm muối vẫn truyền nhau rằng có Bà phù hộ mà mùa muối sẽ được trời thương, nắng nhiều, nước trong, hạt muối trắng đẹp", ông Tuấn bộc bạch.
Tại lễ hội, hình ảnh kiệu Bà Chúa Muối với các hoa văn chạm khắc đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều người dân miền Tây lần đầu tiên được biết đến tín ngưỡng này. Chị Đoàn Thị Ngọt, (49 tuổi, thị trấn Hòa Bình, Bạc Liêu) chia sẻ "Tôi không ngờ nghề muối cũng có vị thần riêng bảo hộ. Điều này khiến tôi thêm trân trọng hơn những hạt muối vốn rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày".
Hạt mặn tâm linh
Không chỉ giới thiệu văn hóa nghề muối, tại lễ hội lần này, ông Tuấn còn mang theo những hạt muối từ biển cả Thái Bình để trưng bày và giới thiệu. Đặc biệt, sản phẩm muối tâm linh – kết tinh từ vùng đất nơi Phủ Bà Chúa Muối tọa lạc, mang giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc.
Quá trình sản xuất muối tâm linh cũng không khác gì so với các địa phương khác. Tuy nhiên họ gửi gắm trong đó là câu chuyện về loại muối được Bà Chúa Muối và trời đất ban cho. Loại muối này có thể đem về để cúng bái thần linh, tổ tiên sau đó lấy sử dụng như bình thường.

“Muối tâm linh chỉ khoảng 200g nhưng có giá bán lên đến 35.000 đồng, trong khi 1kg muối thường chỉ 4.000 – 5.000 đồng. Trừ đi chi phí sản xuất, giá trị của hạt muối cũng tăng lên 2-3 lần dù không nhiều nhưng đó cũng là cách để hạt muối có giá trị hơn, giúp tôi và những diêm dân còn lại ở Thái Bình gia tăng thu nhập và gắn bó với nghề”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn chia sẻ thêm những ngày qua khu vực trưng bày của ông rất đông người qua lại, mọi người vừa tò mò, vừa ngạc nhiên. “Tôi đã bán được khoảng 200 sản phẩm, con số không lớn nhưng điều quan trọng hơn là tôi có cơ hội giới thiệu sản phẩm quê hương và giúp nhiều người hiểu rằng hạt muối không chỉ đơn thuần đến từ biển, mà còn kết tinh từ tâm huyết, niềm tin của diêm dân", ông nói.
Thực tế, giá muối tại Việt Nam luôn ở mức thấp, khiến nhiều diêm dân phải rời bỏ ruộng muối. Để giữ nghề, việc xây dựng thương hiệu và gắn hạt muối với những giá trị văn hóa, lịch sử, sản vật của chính vùng đất sản sinh ra nó có thể là một hướng đi bền vững.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, Bà Chúa Muối, tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh năm 1280 tại Thái Bình trong một gia đình diêm dân. Ngay từ nhỏ, bà đã thông minh, xinh đẹp nhưng mỗi khi ra ruộng làm muối, trời lại kéo mây che phủ. Thương con, cha mẹ đóng thuyền cho bà chở muối đi buôn bán, góp phần mở rộng giao thương. Một lần, khi thuyền bà cập bến Long Biên, hiện tượng mây che theo bước đi của bà khiến vua Trần Anh Tông chú ý. Nhận thấy nhan sắc và tài trí của bà, vua phong bà làm Đệ Tam Cung Phi. Tuy nhiên, khi mang thai quá kỳ mà chưa sinh nở, bà được đưa về quê để dưỡng bệnh nhưng không qua khỏi, mất vào ngày 14-4 năm Mậu Tuất.Cảm thương bà, vua Trần Anh Tông sắc phong bà làm Phúc thần, nhân dân lập đền thờ phụng, tôn bà là Bà Chúa Muối, vị thần bảo hộ nghề làm muối.Hàng năm, vào ngày 14-4 âm lịch, người dân tổ chức Lễ hội Bà Chúa Muối với nghi thức tái hiện tích trò xưa. Nổi bật trong lễ hội là màn múa ông Đùng bà Đà, tượng trưng cho cha mẹ và con cháu, thể hiện ước vọng sinh sôi, gắn kết của cộng đồng. Đoàn người nhộn nhịp diễu hành, vừa múa vừa chúc tụng công đức Bà Chúa Muối. Không gian múa ông Đùng bà Đà cũng được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia.