(SGTTO) - Những bệnh nhân có bệnh nền là tim mạch thường dễ bị nhiễm Covid-19 và thường có biến chứng nặng hơn những người không bị. Những người này cần chú ý gì để phòng, chống Covid-19?
Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hùng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà eDoctor, về vấn đề này.
Bệnh nền khiến hệ miễn dịch kém
Dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra có tỷ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong cao ở những người có bệnh nền, trong đó đặc biệt là bệnh tim mạch.
Về mặt dịch tễ, những người có bệnh nền tim mạch thì dễ bị nhiễm cúm nói chung và Covic-19 nói riêng, hơn những người không có bệnh. Họ thường là những người lớn tuổi nên sức đề kháng kém với bệnh nhiễm trùng.
Ngoài ra, họ thường có các bệnh mạn tính khác kèm theo như đái tháo đường, mỡ máu cao, bệnh mạch máu, bệnh phổi, bệnh thận... Những yếu tố này làm cho hệ thống miễn dịch tự nhiên bị suy yếu, không thể tiêu diệt được virus xâm nhập làm cho những bệnh nhân này dễ bị nhiễm Covid-19 hơn.
Một khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào phổi, chặn lấy nguồn cung cấp oxy cho tim và cơ thể, làm tim bị thiếu máu nuôi và bệnh tim càng trầm trọng hơn. Khi tim yếu đi thì lại không bơm đủ máu lên phổi dẫn đến sự trao đổi khí giảm nhiều hơn, cơ thể thiếu oxy nhiều và bệnh trở nặng nề, khả năng tử vong cao.
Ngoài ra, khi nhiễm Covid-19 cơ thể sẽ sốt cao càng làm cho tim đập nhanh, tim phải làm việc nhiều hơn, suy sụp nhanh hơn. Tất cả những vòng luẩn quẩn này đưa đến biến chứng tim phổi với nguy cơ tử vong cao.
Những khuyến cáo
Với những nguy hiểm biến chứng trên người bệnh tim mạch, cần phải hết sức cẩn trọng và phòng ngừa tránh bị nhiễm Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách với người xung quanh: Không tiếp xúc khi không thật cần thiết. Nếu cần thiết thì giữ khoảng cách giao tiếp khoảng hai mét. Giao tiếp với càng ít người càng tốt và nên ở nhà. Nếu phải đi ra đường bằng xe thì nên đi xe cá nhân, nếu phải đi xe ô tô thì nên mở cửa sổ và không nên để chế độ máy lạnh (virus dễ bị tiêu diệt hơn ở nhiệt độ nóng).
- Mang khẩu trang cá nhân: để phòng việc hít phải những hạt li ti của người khác vô tình ho, hắt xì hoặc nói chuyện văng ra.
- Rửa tay sau khi cầm, nắm vật dụng hoặc đi ra ngoài về (mỗi lần rửa với xà phòng khoảng 20 giây hoặc với cồn sát khuẩn).
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Tập thể dục tại nhà mỗi ngày 15-30 phút.
- Bỏ hút thuốc lá nếu đang hút.
- Tiêm ngừa cúm, ngừa phế cầu, ngừa lao (nếu chưa tiêm).
- Uống đủ thuốc theo toa định kỳ, không tự ý ngưng thuốc.
- Ăn đủ chất đạm và rau quả, nhất là các rau quả giàu vitamin C như cam, dâu, cà chua...
Khi có các dấu hiệu đau họng, sốt, ho, khó thở nên gọi cho bác sĩ đang điều trị để tham vấn trước nếu không được thì đến ngay bệnh viện để được khám và chẩn đoán chính xác, xử lý kịp thời sẽ hạn chế được các biến chứng không mong muốn.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hùng