Hà Bi -
Sau bốn mươi lăm (45) ngày xuyên Việt, mang lại những trải nghiệm nghệ thuật tại 9 tỉnh cho hàng ngàn người, dự án cộng đồng Gieo của lớp học đặc biệt mang tên Toa Tàu đã kết thúc vào cuối tháng 10-2017.
Mô hình tổ hợp lớp học
Những ai từng say mê ngôi trường có lớp học là những toa tàu cũ trong Totto-chan: cô bé bên cửa sổ (cuốn tự truyện của tác giả Nhật Bản) có thể sẽ thích thú khi biết rằng ở Việt Nam có một mô hình được lấy cảm hứng từ đó. Đó chính là Toa Tàu - tổ hợp học tập sáng tạo với khẩu hiệu: “Nơi người lớn được là trẻ con, và trẻ con được là chính mình”.
Dự án Gieo là một trong những hoạt động trọng tâm được Toa Tàu phát triển ngay từ những ngày đầu thành lập. Hình thành từ cuối 2015 tại TPHCM, Gieo ra đời với mong muốn mang những trải nghiệm nghệ thuật nhằm khơi mở các giá trị sáng tạo, kết nối với nhiều nhóm cộng đồng đa dạng trên khắp Việt Nam.
Trong hơn một năm, Gieo đã tổ chức 7 khảo sát nghệ thuật, 4 chương trình chia sẻ huấn luyện, 1 triển lãm. Trong đó, hơn 300 câu chuyện đã được kể, 1.000 tác phẩm được sáng tác.
Anh Đỗ Hữu Chí, trưởng dự án Gieo, chia sẻ: “Gieo là một động từ, khiến ta liên tưởng đến hành động thả một thứ gì đó xuống đất, rồi thứ đó sẽ nảy mầm. Đó là điều mình muốn làm. Bọn mình khuyến khích mọi người kể câu chuyện của họ bằng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau, như vẽ, viết, hát… Cái đích cuối cùng không phải là ai cũng trở thành nghệ sĩ, mà để họ nhận ra cần dành thời gian để chăm sóc phần tâm hồn bên trong”.
Suốt 3 năm hoạt động, Toa Tàu đã chào đón hàng nghìn người ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau, như nhóm công nhân, trẻ em bị bệnh xương thủy tinh, người khuyết tật…đến tham gia tổ hợp học tập này.
Theo Phiên Nghiên, phụ trách truyền thông dự án Gieo, không chỉ hoạt động tại TPHCM, dự án Gieo còn thực hiện hành trình xuyên Việt, đến cộng đồng những người K’Ho (Lâm Đồng), người dân đảo bé An Bình (Lý Sơn), người Khmer (Sóc Trăng), Hà Nội, làng chiếu Đồng Tháp, làng rượu Bến Tre… Từ đó, những câu chuyện khác nhau đã được kể, đa dạng, phong phú, bất ngờ và tràn đầy cảm hứng.
Hành trình đầy cảm xúc
Hành trình đưa Gieo đi xuyên Việt được Đỗ Hữu Chí và đồng đội “thai nghén” trong 3 năm, với hơn 6 tháng chuẩn bị: xin giấy phép tổ chức, khảo sát, tìm kiếm hỗ trợ từ dân địa phương,… đến tìm hiểu luật pháp, văn hóa để thiết kế chương trình một cách sát sao.
Thông qua kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng, Gieo đã quyên góp được gần 300 triệu đồng cùng phương tiện di chuyển, máy ảnh, máy quay… để vận hành chương trình. Mười sáu thành viên nòng cốt, cùng hàng chục tình nguyện viên nhập đoàn ở các giai đoạn khác nhau, đã biến chuyến đi trở thành kỷ niệm khó quên không chỉ với cả đội, mà còn với những cộng đồng nơi Gieo đi qua.
“Mỗi người trong đội Toa Tàu đều làm nhiều việc cùng lúc trong khi tham gia Gieo. Vừa là ca sĩ hát phục vụ bà con, vừa hậu cần, vừa thiết kế chương trình trải nghiệm”, Phiên Nghiên cho biết.
Trong thời gian dừng chân tại nhà máy Ford Hải Dương, Gieo đã giúp không gian ăn trưa quen thuộc tại đây trở nên sinh động hơn bằng những hình vẽ sinh động với gam màu tươi sáng. Bức tường trắng dài 16 m, cao 3,5 m được lấp đầy hình ảnh trong một ngày rưỡi, với sự giúp sức của các công nhân nhà máy.
Hay, Gieo đã làm tạo ra không gian mang đậm đặc trưng của làng đan bóng mò o (bóng bắt cá không cần mồi được đan từ cây mò o) tại thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh, Sông Cầu, Phú Yên. Hơn 40 bóng mò o được ghép lại thành tác phẩm nghệ thuật công cộng, tôn vinh sản phẩm của chính làng nghề.
Hành trình 45 ngày đi Gieo xuyên Việt kết thúc với hàng ngàn khoảnh khắc, câu chuyện, niềm vui… được “gặt” về từ những người tham gia. Những hạt mầm mà Gieo đã gửi gắm có thể đang ở đâu đó trong nhiều tâm hồn, trái tim.
Sắp tới đây, dự kiến diễn ra triển lãm Gieo từ ngày 2 đến 12-12 tại quận Bình Thạnh, TPHCM, tái hiện một phần hành trình 45 ngày đã qua, và tạo ra không gian tương tác trải nghiệm như các điểm mà dự án Gieo đã đến.