Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Đi chợ online tăng mạnh trong mùa giãn cách xã hội

Các hoạt động mua bán hàng online liên quan đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng mạnh tại TPHCM do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Các hoạt động mua sắm online lương thực thực phẩm... tại TPHCM đang tăng lên những ngày này. Ảnh: Đức Duy

Trong những ngày qua ghi nhận nhu cầu mua sắm qua mạng của người dân TPHCM tăng cao khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như các quy định giãn cách xã hội.

Ngày 7-7, nhiều siêu thị, cửa hàng bách hóa tại TPHCM ghi nhận người dân tập trung đông đi mua sắm thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu dẫn đến cảnh xếp hàng dài và các kệ hàng sạch trơn từ sớm. Ngay cả các ứng dụng mua sắm trực tuyến của nhiều đơn vị siêu thị, sàn thương mại điện tử cũng liên tục trong tình trạng quá tải và hết hàng.

Tại các sàn thương mại điện tử nhóm ngành hàng lương thực thực phẩm, đồ ăn thức uống ghi nhận nhu cầu mua sắm tăng vọt. Đại diện Lazada cho hay trong ngày 7-7 đã ghi nhận nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, đặc biệt đối với các nhu yếu phẩm và thực phẩm tươi sống, cụ thể: doanh số của ngành hàng thực phẩm tươi sống đã đạt mức tương đương với doanh số của ngành hàng này trong cả tháng 7 năm 2020. Theo đó 120.000 hộp sữa tươi đã được bán hết chỉ trong 3 giờ; hơn 2 tấn sườn que và thịt gà; 10.000 trứng gà, vịt đã được bán hết chỉ sau 12 giờ đầu tiên.

Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho hay để đảm bảo nguồn cung thực phẩm rau củ tươi sống cho người dân, sàn thương mại điện tử Sendo trong sáng ngày 8-7 đã mở ra chương trình “Đi chợ tại nhà” với hàng chục loại thực phẩm tươi sống tuyển chọn.

Theo đó, chợ rau củ trực tuyến của Sendo hiện đang có bán đa dạng các mặt hàng bao gồm: trên 25 loại rau củ quả tươi xanh phục vụ nấu ăn hằng ngày, trái cây đặc sản vùng miền, trứng sạch cùng các mặt hàng bách hóa thiết yếu như gia vị, mì gói, đồ hộp. Trong đó với các loại rau xanh giao trong 24 giờ, nguồn cung đến từ các hợp tác xã có chứng nhận VietGAP nằm trên địa bàn vùng ven TPHCM cùng các tỉnh miền Tây lân cận để đảm bảo rau xanh đến tay người mua nhanh nhất.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết bên cạnh việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, Saigon Co.op cùng nhiều đơn vị phân phối trên địa bàn TPHCM cũng duy trì nhiều hình thức mua sắm gồm trực tiếp, đặt hàng qua app để nhân viên siêu thị giao hàng đến. Ngoài ra các hệ thống bán lẻ này cũng hợp tác với một số đối tác như Zalo, Now... nhằm hỗ trợ giao hàng cho người dân khi mua trực tuyến.

Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân.

Còn theo đại diện MM Mega Market, đơn vị này cũng đang triển khai hình thức bán hàng online và qua app điện thoại. Đại diện sàn Shopee cho hay: “đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận lượng truy cập và giao dịch vẫn gia tăng trong giai đoạn này, đồng thời chúng tôi cũng ghi nhận sự gia tăng của các nhu cầu mua sắm và dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm, bách hóa, các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, vệ sinh cá nhân cũng như các mặt hàng gia dụng thiết yếu khác.

Shopee đã đồng hành cùng Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op tham gia chương trình trợ giá hàng tiêu dùng cho người dân tại TPHCM. Theo đó, Saigon Co.op có các chương trình ưu đãi giá đặc biệt cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu như: rau củ quả, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, chăm sóc gia đình,… Cụ thể, người dân TPHCM đang sống tại các khu vực: quận Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 7 sẽ được giảm giá 50% khi đặt mua các mặt hàng thiết yếu của Saigon Co.op trên nền tảng Shopee. Cùng với đó, người mua sẽ được đơn vị Shopee hỗ trợ miễn phí vận chuyển qua NowShip tới 40.000 đồng đi kèm nhiều mã giảm giá khác khi thanh toán bằng ví điện tử ShopeePay.

Theo Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online này, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khu giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là lượng hàng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.

Để đáp ứng được nhu cầu mua sắm online tăng cao của người dân, Lazada đã triển khai nhiều phương án, bao gồm việc tăng cường sắp xếp nhân sự giao hàng liên tục trong 7 ngày/ tuần. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ AI trong việc thiết kế lộ trình di chuyển của shipper để có thể giao được nhiều đơn hàng nhất tới người tiêu dùng trong thời gian nhanh nhất. Các kho hàng, cơ sở hạ tầng cũng được liên tục phun khử khuẩn giữa các ca làm việc trong ngày để đảm bảo phòng dịch, đại diện Lazada cho biết thêm.

Chỉ thị 16 ban hành TPHCM sẽ tạm dừng vận tải hành khách nhưng giao vận hàng hóa vẫn được đảm bảo lưu thông trong nội đô TPHCM. Vì vậy, giải pháp quy trình giao vận của Sendo sẽ chia ra làm hai phần, các HTX của các tỉnh sau khi nhận đơn ngày hôm trước sẽ đóng gói đưa lên kho tập kết chỉ định. Sau đó Sendo sẽ cùng đơn vị vận chuyển nội đô sàng lọc, chia tuyến và vận chuyển hàng hoá đến người tiêu dùng vào cùng ngày. Như vậy người tiêu dùng sẽ nhận hàng không quá 24 giờ sau khi đặt mà Sendo vẫn đảm bảo tuân thủ đúng Chỉ thị 16 của thành phố, đại diện sàn Sendo cho biết thêm.

Người dân tập trung mua sắm tại siêu thị Co.opmart trên đường Cống Quỳnh Quận 1 TPHCM trong ngày 8-7. Ảnh: Lâm Vũ

Ghi nhận trong sáng, chiều ngày 8-7 tại TPHCM các siêu thị như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Satra, Vinmart+... rất đông người dân đổ xô đến để mua lương thực, thực phẩm khiến nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá và cả rau xanh cũng “cháy hàng”. Ghi nhận thêm tại nhiều chợ, siêu thị ở TPHCM, lượng khách đến mua sắm rất đông, nhiều quầy kệ thực phẩm tươi như rau củ, thịt cá... nhanh chóng hết sạch. Một số khách hàng cho biết, họ phải đi 3-4 siêu thị mới mua được thức ăn trong ngày.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho hay, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa, Sở đã triển khai đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống.Đồng thời, Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thanh niên đi chợ thay người lớn tuổi... thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa.

Chánh Trung

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá...

0
(SGTT) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng...

Kết nối