(SGTT) - "Hãy cho tôi một giờ – tôi sẽ trả lại bạn 1000 năm" là câu slogan ấn tượng và khiến khán giả phải tò mò khi đặt chân vào không gian nghệ thuật "Lệ Giang thiên cổ tình" được dàn dựng bởi đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
- Ghé thăm Lệ Giang, cổ trấn đẹp nên thơ ở Trung Quốc
- Thăm làng cổ Đức Hãng Miêu Trại nơi người Miêu ở Trung Quốc sinh sống
Công viên Lệ Giang thiên cổ tình, nơi diễn ra show diễn cùng tên cách phố cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam khoảng 6km. Với khoản đầu tư 1 tỉ Nhân dân tệ (161,4 triệu đô la), nơi đây bao gồm các công viên chủ đề mang đặc trưng văn hóa địa phương.
Công viên này là một trong những dự án văn hóa trọng điểm của Vân Nam. Đây là khu giải trí phức hợp bao gồm ăn uống, khách sạn, du lịch, mua sắm và giải trí.
Chương trình nghệ thuật "Lệ Giang thiên cổ tình" được dàn dựng bởi đạo diễn Trương Nghệ Mưu, dựa trên nền tảng văn hóa và di sản phong phú của Lệ Giang, màn biểu diễn cũng được ca ngợi là ''linh hồn" của Lệ Giang.
Chương trình sử dụng công nghệ IMAX 3D và được tạo thành từ năm chương. Chương 1 có tên là “Khởi nguyên người Nạp Tây” – dân tộc bản địa của vùng đất Lệ Giang, họ xem mình là hậu duệ của chim đại bàng.
Tiếp đến, chương 2 “Nữ nhi 1uốc” kể về dân tộc Ma Thoa, một trong những dân tộc thiểu số sinh sống quanh hồ Lugu ở Vân Nam. Tại đây, vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, khi người phụ nữ lên 13 tuổi sẽ có phòng riêng và họ có thể ngủ với bất kỳ người đàn ông nào trong làng nếu họ đem lòng quý mến nhau. Tổ chức cộng đồng không đặt nặng vấn đề hôn nhân, nên không có kết hôn hay ly dị.
Chương 3 mang tên “Đoàn ngựa huyền thoại” muốn nhắc đến sự hình thành và phát triển của con đường nổi tiếng châu Á “Trà mã cổ đạo”, một trong những con đường thương mại đầu tiên và nguy hiểm của châu Á được hình thành dưới thời Tây Hán. Với nhiệm vụ giao thương giữa Thành Đô, Vân Nam, Tứ Xuyên kết thúc tại Lhasa, Tây Tạng.
“Con đường Trà Cổ hồi sinh” trong chương 4 kể về những thăng trầm, biến cố của lịch sử con đường Trà mã cổ đạo vẫn bền bỉ kết nối giao thương, trao đổi văn hóa. Ngày nay, cung đường này đã trở thành tuyến tham quan hấp dẫn cho những ai đam mê khám phá.
Show diễn còn tái hiện những điều bí ẩn về Shambhala - Vương quốc cổ bị lãng quên ở miền đất Tây Tạng trong chương 5 với tên gọi "Vương quốc ngọc thứ ba và Tìm kiếm Shambhala".
Trong bộ phim nổi tiếng với tựa đề “Lost Horizon” - Đường chân trời đã mất, sản xuất năm 1937 dựa trên một cuốn tiểu thuyết cùng tên, nói về cuộc hành trình của nam nhân vật nam chính bị lạc giữa một vùng núi tuyết cao ở Tây Tạng và sau đó tìm được Shambhala.
Hiện nay, ở Trung Quốc có một vùng đất mang tên Shangri-la (tương truyền chính là Shambhala) thu hút du khách từ khắp nơi đến khám phá.
A Sử