Ngọc Trân
Tuy chỉ dài chưa tới cây số và rộng chừng hơn chục mét nhưng phố đi bộ Insa-dong lại thu hút du khách nhờ người dân ở đây biết cách làm du lịch.
Insa-dong kéo dài từ công viên Tapgol đến ngã tư Anguk-dong gần trung tâm Seoul. Hàng ngày hàng vạn du khách đã đến con phố để ngắm nhìn, thưởng thức không gian văn hóa hoặc để mua sắm và ăn uống.
Insa-dong trông giống Hội An với những hẻm nhỏ hai bên đường chính. Nhưng người Insa-dong biết cách khai thác tối đa những con hẻm, khác với người phố cổ miền Trung. Ở Hội An thường chỉ những hẻm thông qua hai con đường người ta mới mở tiệm ăn, còn hẻm cụt thì vẫn sống im lìm như nếp cũ từ bao đời nay. Trong khi đó, hẻm ở Insa-dong không rộng, cũng nhiều hẻm cụt, nhưng lại đầy hàng quán. Ăn uống trong hẻm – những món bình dân, không hề rẻ: một tô canh đậu phụ có giá khoảng 5,5 đô la Mỹ; cơm trộn 7-8 đô la, những món khác dao động trong khoảng 6-8 đô la.
Trong một số con hẻm còn có các tiệm trà gắn liền với “văn hóa trà thất” của người Hàn. Tuy mục đích đến đây là khác nhau – hẹn hò, họp mặt, thư giãn, gặp khách... – nhưng có lẽ ai cũng đều có thể hài lòng với sự êm đềm, thân mật trong không gian của những tiệm trà đặc biệt này.
Ở trong những con hẻm cũng có khách sạn nhỏ dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, khác với vẻ xinh xắn bên ngoài, nội thất và vệ sinh bên trong những khách sạn này lại không được tốt cho lắm. Thế nhưng giá thuê phòng không hề rẻ, khoảng từ 40 đô la cho một người/phòng. Phòng cho hai người thì giá gấp đôi. Mức giá này quả xứng với đời sống đắt đỏ của thủ đô nước Hàn.
Trong hẻm ngoài hẻm đều là nơi kinh doanh; những cửa hàng nằm dọc con phố chính bày bán đủ loại hàng hóa, từ đồ giả cổ cho đến quần áo thời trang, đồ lưu niệm... Đồ lưu niệm thì làm thủ công, màu sắc sặc sỡ với những chiếc túi hay móc treo điện thoại hình dáng khác nhau. Có cửa hàng may đồ Hanbok, quần áo truyền thống của người Hàn; cả phòng trưng bày riêng cho tranh ảnh, tác phẩm văn học. Và cứ vào ngày Chủ nhật – phố cấm xe ra vào – người dân nơi đây lại tổ chức những buổi biểu diễn làm gốm, làm kẹo kéo, cắt may quần áo truyền thống...
Ở Insa-dong còn có không ít tiệm cà phê kiểu Tây, với những thương hiệu nổi tiếng như Coffee Bean và Starbucks hay thương hiệu Hàn Quốc như Caffe Bene (đã mở một cửa hàng ở trung tâm TPHCM). Người Hàn uống cà phê giống người phương Tây, tức nhạt chứ không đậm như người Việt Nam.
Đến Insa-dong, hẳn ai cũng ghé qua khu Ssamziegil. Ssamziegil là một tòa nhà bốn tầng với hơn 70 cửa hàng bán đủ loại mặt hàng như con phố chính: tranh ảnh, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, đồ dùng sinh hoạt gia đình... Và đương nhiên cả quán ăn. Khách đi dọc hành lang lên lầu rồi cũng như thế mà đi xuống. Đó là một khu chợ tập trung, mở cửa hồi cuối năm 2004.
Theo tư liệu, Insa-dong hình thành từ thời kỳ đầu của triều đại Joseon, đến nay cũng đã ngót 600 năm. Lịch sử thăng trầm của khu phố được cho là “truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc” này cũng gắn liền với những biến chuyển của lịch sử Hàn Quốc.
Vào thời phong kiến, đây là chỗ ở của những vị quan cao cấp của triều đình. Họ đã xây dựng, phát triển khu phố thành một trung tâm văn hóa, nghệ thuật.
Yun Yong-cheol, giám đốc một nhà trưng bày sản phẩm mỹ thuật tại đây, nói rằng vào cuối thời triều đại Joseon, Insa-dong là khu vực có đông người trung lưu sinh sống. Thế rồi sau đó, giới làm nghệ thuật đã đổ về đây cùng những người làm bút nghiên, giá khung tranh, bình phong. Và khi đồ cổ cùng vật dụng bằng gỗ của nhà các quan lại được đem ra bán ở đây (hồi đầu thế kỷ 20), thì Insa-dong đã trở thành một trung tâm kinh doanh đồ cổ.