Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Đến Quảng Trị, khám phá đảo Cồn Cỏ yên bình

(SGTT) - Cồn Cỏ là hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, mới được đưa vào khai thác du lịch tại Quảng Trị. Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành phố, tìm về chốn yên tĩnh, thanh bình.
Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Ảnh: Huyện đảo Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ (hay còn gọi là Hòn Cỏ) được kiến tạo từ ngọn núi lửa cổ giữa biển khơi triệu năm về trước, thế nên Cồn Cỏ không chỉ mang giá trị về địa chất, cảnh quan mà còn là một ‘bảo tàng’ tự nhiên hiếm có. Thời gian đi đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là vào mùa Hè, trong khoảng từ tháng 3 đến 8, thời điểm này sóng lặng, biển êm.

Cồn Cỏ yên bình lúc hoàng hôn. Ảnh: Minh Ngọc

Đảo Cồn Cỏ cách biển Cửa Việt, huyện Gio Linh hơn 30km. Do đó, để đến được Cồn Cỏ, trước hết du khách phải di chuyển đến tỉnh Quảng Trị bằng máy bay, tàu hỏa hoặc ô tô.

Từ TP Đông Hà, du khách đi taxi hoặc xe ôm ra cảng Cửa Việt. Tại đây, có tàu cao tốc Cồn Cỏ Tourist với 80 chỗ ngồi sẽ xuất phát vào khoảng 7:30 sáng để đưa khách ra đảo. Lịch khởi hành vào sáng thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và trở về đất liền vào thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật. Thời gian di chuyển khoảng 1,5 tiếng. Giá vé 200.000 đồng/lượt/người.

Tàu cao tốc Con Co Tourist. Ảnh: Huyện đảo Cồn Cỏ

Vào các mùa khác tàu chạy tần suất ít hơn một tuần hai chuyến. Du khách nên liên hệ với các đơn vị vận tải để biết thông tin tàu chạy chính xác. Trên đảo hiện có dịch vụ cho thuê xe đạp 50.000 đồng/ngày, xe máy 150.000 đồng/ngày bao xăng.

Từ một đảo quân sự chuyển sang huyện đảo phát triển kinh tế, làm du lịch, nên Cồn Cỏ gần như bắt đầu xây dựng hệ thống lưu trú từ đầu. Trên đảo hiện nay các nhà nghỉ đa phần thuộc các cơ quan công vụ như Ủy ban, Ban chỉ huy Quân sự với số lượng chỉ khoảng 50 phòng.

Bến Ngè - nơi đón tia nắng đầu tiên trên đảo. Ảnh: Minh Ngọc

Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn dịch vụ homestay ở Cồn Cỏ. Đây là dịp để du khách hiểu hơn về cuộc sống của người dân nơi đây. Giá homestay ở Cồn Cỏ chỉ tầm 300.000 đến 350.000 đồng/đêm.

Du khách cũng có thể mang theo lều trại, túi ngủ để qua đêm trên đảo nhưng cần hỏi ý kiến ban quản lý đảo hoặc người dân địa phương xem chỗ nào cắm trại an toàn.

Ảnh: Minh Ngọc

Được hình thành từ nham thạch núi lửa, Cồn Cỏ không có nhiều bãi tắm trải dài với cát trắng nên thơ, nhưng làn nước trong vắt, không khí trong lành, nguyên sơ và hệ động, thực vật phong phú.

Rong nho trên đảo. Ảnh: Minh Ngọc

Với tổng diện tích cây xanh che phủ lên đến hơn 70% diện tích, không khí trên đảo Cồn Cỏ trong lành cùng với cảnh vật thiên nhiên thơ mộng. Cồn Cỏ sở hữu một hệ sinh thái rừng nhiệt đới ba tầng khá hiếm tại Việt Nam.

Khám phá khu rừng nguyên sinh trên đảo là trải nghiệm thú vị, nhất là khi được băng qua con đường được phủ bằng những lớp đá từ san hô hóa thạch trong khu rừng nguyên sinh.

Ảnh: Minh Ngọc

Vùng biển chung quanh đảo Cồn Cỏ sở hữu một hệ sinh thái san hô vô cùng phong phú và đa dạng. Hiện có khoảng 109 loài san hô khác nhau ở vùng biển của đảo Cồn Cỏ, trong số đó có san hô đỏ và san hô đen quý hiếm.

Đến Cồn Cỏ, đừng quên thưởng thức các món ăn tươi ngon nơi đây. Ảnh: Minh Ngọc
Khi tới Cồn Cỏ, du khách đừng quên tham quan Nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, nơi lưu giữ kỷ vật tái hiện lịch sử hào hùng của quân và dân huyện đảo, dâng hương tại Đài tưởng niệm tôn vinh những người lính anh dũng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc hay ghé thăm nhiều điểm tham quan hấp dẫn như cột cờ Tổ quốc, ngọn hải đăng đảo Cồn Cỏ, bến Nghè, bến Tranh...

Theo Trang thông tin điện tử huyện đảo Cồn Cỏ, tổng lượng khách du lịch ra đảo trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.172 khách chiếm 52,2% kế hoạch năm, tổng doanh thu các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đảo ước đạt trên 5,4 tỉ đồng.Hiện nay, trên đảo có 4 nhà nghỉ với tổng cộng 48 phòng và 5 dịch vụ Homestay của các hộ gia đình. Ngoài ra, có 2 tàu phục vụ đi lại tuyến du lịch Cửa Việt – Cồn Cỏ (tàu Conco Toutist với sức chở 80 khách; tàu Chính Nghĩa 2 với sức chở 156 khách). Trên đáo có 5 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí phục vụ du khách với những món ăn đặc trưng của đảo: hàu, ốc, rong nho, mực, cá các loại… cùng các loại hình dịch vụ hỗ trợ du lịch:  thuê tàu đi quanh đảo câu cá, lặn ngắm san hô,  thuê võng, lều bạt, các dịch vụ thể thao tại đảo…

Thanh Hiền - Minh Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thăm làng nghề chằm nón lá truyền thống Bố Liêu ở...

0
(SGTT) -  Nằm giữa những cánh đồng lúa ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, làng chằm nón lá Bố Liêu...

Gợi ý 5 điểm check-in khi đến Hướng Hóa, Quảng Trị

0
(SGTT) – Thôn Chênh Vênh, đồi cỏ Xa Reng hay thác Tà Puồng…là những điểm du lịch hấp dẫn mà du khách có thể...

Lễ 2-9 đến Thành cổ Quảng Trị nhớ ‘mùa hè đỏ...

0
(SGTT) -  Thành cổ Quảng Trị, nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị, là một chứng nhân lịch sử về sự hy sinh của...

Thăm rẻo cao Tà Long nơi miền Tây Quảng Trị

0
(SGTT) - Xã Tà Long thuộc huyện Đa Krông, miền Tây tỉnh Quảng Trị. Đây là xã rẻo cao có phong cảnh đẹp, điển...

Trekking, cắm trại trên đồi cỏ Xa Reng ở miền Tây...

0
(SGTT) - Đồi cỏ Xa Reng nằm ở thôn Ra Ly – Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đồi cỏ...

Về thăm thôn Chênh Vênh bình yên giữa núi rừng Quảng...

0
(SGTT) -  Được bao bọc bởi sông suối và núi rừng, thôn Chênh Vênh thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị,...

Kết nối