(SGTTO) - Tiên Sa là ngọn hải đăng cổ có tuổi đời hơn 120 năm ở Đà Nẵng, được xây dựng từ thời đầu Pháp thuộc. Nơi đó, có những người ngày đêm làm sáng lên ngọn hải đăng giữa gió biển và rừng hoang.
Ngọn hải đăng lẻ loi
Hải đăng Tiên Sa người dân thường gọi với cái tên dân dã là “nhà đèn Sơn Trà”. Ngọn hải đăng ấy nằm lẻ loi phía sườn đông bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Ngày nào cũng vậy, nhất là vào mùa bão nổi, ngọn hải đăng chiếu sáng một vùng biển xa, nơi có những con tàu vượt lên từng con sóng, vượt lên những ngọn gió buồn lướt qua mặt biển.
Hải đăng Tiên Sa nằm ở một vị trí đẹp nhưng cũng khá cách biệt. Ngọn hải đăng được bao quanh bởi khu rừng nguyên sinh với những hàng cây trải dài. Nơi ấy được biết đến với sự nên thơ và khi đặt chân đến đây, mới đúng nghĩa hòa hợp với thiên nhiên tươi đẹp.
Muốn lên được đó khá vất vả dù có đường bê tông từ dưới phố đi lên. Nhưng vì điều kiện đặc biệt của địa hình, khuất lấp vào những tầng núi phía tây nên hải đăng Tiên Sa như tách biệt hẳn với phố phường. Ở đó, có nhiều cái không là: không điện, không nước, không sóng điện thoại và không có bóng dáng người phụ nữ.
Để duy trì hoạt động của ngọn hải đăng này, hiện nay nhà quản lý sử dụng những tấm pin mặt trời, nước thì được lấy từ những sườn núi chảy xuống. Nơi này sóng điện thoại không có, gần như chỉ có thể sử dụng được bằng bộ đàm. Khách du lịch đến đây cũng khá nhiều, tuy nhiên việc liên lạc bằng điện thoại là không thể.
Nhiều người sẽ nghĩ ở hải đăng này chỉ có sự hoang dã của cỏ cây, như biết bao ngọn hải đăng khác ở dọc miền đất nước. Nhưng không phải, ở đây có năm người trực và vận hành hải đăng. Có trạm phó Trần Ngọc Anh (quê Nghệ An), trạm trưởng Bùi Công Phương (54 tuổi, quê Đà Nẵng), kỹ thuật viên Nguyễn Trung Dũng (quê Hải Phòng) và hai người khác nữa. Hàng tháng hàng năm trời, họ sống biệt lập tại đây, chỉ xuống phố để mua và vận chuyển lương thực.
Bên hông nhà đèn, những tấm pin năng lượng mặt trời được đặt cẩn thận. Đây là nguồn năng lượng để vận hành đèn biển, và cũng là năng lượng cho đời sống sinh hoạt của những người canh giữ đèn biển nơi đây. Không có nước máy hay nước sạch, những người canh giữ đèn biển phải dùng bể chứa nước mưa, hoặc mua ống để lấy nước từ trên đỉnh núi xuống, sau đó qua nhiều lần lọc chắt để có nước sạch sử dụng.
Xung quanh trạm xanh mướt những vạt rau, phía trước là cụm tiểu cảnh với những chậu kiểng được xén tỉa công phu, phía sau là những chuồng trại nuôi gà tăng gia của anh em giữ đèn. Chậu hoa giấy trổ những chùm hoa màu đỏ thắm rung rinh trong nắng hòa quyện với miên man màu xanh của biển, của bạt ngàn núi đồi trùng điệp.
Ở giữa miền "sống ảo"
Lên đến hải đăng Tiên Sa, cả một khung cảnh bao la hùng vĩ của biển trời xanh ngắt, với những bãi cát vàng chạy dài dưới chân núi, và ngoài xa là biển Đông thăm thẳm màu trời màu nước. Dù điều kiện về điện nước thiếu thốn nhưng trạm hải đăng là một ngôi nhà khang trang với nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng khách ngăn nắp, gọn gàng. Khuôn viên xung quanh ngọn hải đăng rộng và được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh với những hàng cây trải dài.
Từ độ cao cao khoảng 223m so với mặt nước biển, phong cảnh biển trời Đà Nẵng – Huế và Quảng Nam hiện lên diễm lệ trong nắng. Phía ngoài kia là biển cả, những con tàu nhỏ bé nhập nhòa trời nước xanh ngắt. Giờ hoạt động của hải đăng bắt đầu từ lúc 18:00 khi hoàng hôn buông xuống và 6:00 khi bình minh ló dạng. Vào những ngày mùa đông, giờ sáng đèn sẽ từ 17:00 cho tới sáng, sớm hơn một giờ vì điều kiện thời tiết.
Từ hải đăng Tiên Sa, phóng tầm mắt, người ta như thu được trọn vẹn bức tranh sơn thủy hữu tình, có bán đảo Sơn Trà xanh mướt sắc cỏ cây, có mặt biển bao la màu ngọc bích dưới ánh mặt trời và xa xa là Đà Nẵng bên dòng sông Hàn thơ mộng.
Không chỉ có góc quan sát đẹp mê hồn, ngay chính ngọn hải đăng này cũng khiến người ta xiêu lòng ngay lần đầu trông thấy. Đó là một công trình mang âm hưởng của phong cách Pháp, vừa có nét cổ xưa nhuốm màu của tháng năm trầm tịch nhưng cũng phảng phất hơi thở hiện đại trong những sắc màu tươi mới.
Mỗi lần tàu thuyền ra khơi, những ngư dân hay những người đi biển vẫn nhìn về chiếc đèn này, như nhìn thấy đất liền. Những tàu thuyền quốc tế khi cập các cảng hay đi qua vùng này cũng đều như vậy. Và những người làm sáng lên ngọn đèn biển mỗi đêm ở đây luôn tự hào vì điều đó.
Họ là những con người gắn tuổi thanh xuân của mình với những con tàu lênh đênh ngoài khơi xa. Ở đó, trên con mắt của biển hướng về phía đông, ngày ngày họ vẫn cặm cụi làm những công việc thầm lặng cho ngọn hải đăng rực sáng, để những con tàu ra khơi biết hướng trở về.
Tiêu Dao