(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, biết cơ quan này đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao có tốc độ 350 km/h, nối Hà Nội và TPHCM với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đô la Mỹ.
- Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đào thông ba hầm xuyên núi
- Đề xuất đầu tư 18.500 tỉ đồng làm cao tốc Hà Nội – Vientiane (Lào)
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu về đường sắt cao tốc trong nhiều năm, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và đánh giá kỹ lưỡng điều kiện của Việt Nam để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo đề xuất, dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ có tốc độ thiết kế 350 km/h, vận chuyển hành khách và hàng hóa khi cần thiết, toàn tuyến dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa với tổng mức đầu tư khoảng 65-70 tỉ đô la Mỹ.
Dự kiến, dự án sẽ được trình cấp có thẩm quyền thông qua, khởi công trước năm 2030 và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2040.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, đi qua 20 địa phương và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TPHCM. Toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67 km và 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Bộ cũng đề xuất tập trung nguồn lực khởi công dự án thành phần Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642 km vào khoảng cuối năm 2027. Khởi công đoạn Vinh – Nha Trang, dài khoảng 899 km, trước năm 2030, hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Theo ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Đường sắt, xu hướng đường sắt cao tốc hiện nay là tốc độ từ 350 km/h trở lên và các ga cách nhau xa. Đây là xu hướng phù hợp và hiệu quả. Với tốc độ trên, thời gian đi từ Hà Nội đến TPHCM chỉ trong 5 giờ 30 phút.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhận định, Việt Nam đã sẵn sàng để đầu tư vào đường sắt cao tốc. Việc đầu tư vào đường sắt cao tốc không chỉ là đầu tư cho một dự án giao thông mà còn là thúc đẩy phát triển kinh tế và đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Hiện tại, Bộ GTVT đang tiến hành đánh giá tác động của dự án đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Kết quả sơ bộ cho thấy, dự án nằm trong khả năng kiểm soát của nợ công. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chính xác, cần xem xét kỹ hơn các yếu tố như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, hiệu quả khai thác quỹ đất và các nguồn thu khác.