Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan này đã đề xuất bổ sung 4.000 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng của ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
- Kiểm tra nguy cơ sạt lở hai tuyến đường cửa ngõ vào Đà Lạt
- Bạc Liêu, Cà Mau tiếp tục sạt lở, thiệt hại hàng tỉ đồng
TTXVN cho biết, trong buổi làm việc với các bộ về bố trí nguồn vốn cho các dự án phòng, chống sạt lở vùng ĐBSCL diễn ra ngày 28-8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ việc cho phép bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của khu vực.
Thông tin tại buổi làm việc, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng địa phương thực hiện công tác đánh giá, xin ý kiến thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường nhằm tránh trùng lặp với những dự án có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn khác.
Đối với những dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của khu vực, nguồn vốn sẽ do ngân sách địa phương đảm bảo. Ngoài ra, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ (nếu cần).
Cũng theo TTXVN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các địa phương, bộ, ngành cần có kế hoạch để rà soát, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Việc đề xuất danh mục dự án cần theo nguyên tắc là giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai; cần xem xét thứ tự ưu tiên của dự án, sử dụng nguồn lực sao cho đạt kết quả. Trước 15-9 tới đây, các bộ có đề xuất danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ.
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online