(SGTT) - Chiều 8-11, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, có đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng.
- Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử nộp gần 95.000 tỉ đồng tiền thuế
- Những thách thức mới trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới
TTXVN đưa tin, theo Bộ Tài chính, nội dung này đã được xin ý kiến các tổ chức, cá nhân theo quy định và được Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian qua, các sàn thương mại của Việt Nam, bao gồm cả những sàn truyền thống, các chợ, siêu thị cho đến sàn thương mại do người Việt xác lập kinh doanh ở Việt Nam đều có những chính sách và khuyến nghị về việc phải sử dụng một tỷ trọng nhất định hàng hóa sản xuất ở Việt Nam.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định hàng nhập khẩu giá trị nhỏ xuyên biên giới được miễn thuế vừa không bình đẳng cho sản xuất trong nước, vừa tạo cạnh tranh giữa sàn TMĐT trong nước với các sàn có nguồn gốc nước ngoài.
Việc ban hành và thực hiện nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT cũng cần được đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, nên cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị.
Thời gian gần đây, hoạt động thương mại quốc tế cũng đã có nhiều thay đổi, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã xóa bỏ quy định miễn thuế GTGT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống. Vương quốc Anh (nước Anh, Scotland và Xứ Wales) cũng bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 1-1-2021.
Tương tự tại Singapore, từ ngày 1-1-2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp; Thái Lan cũng sẽ thu thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị.