(SGTTO) - Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Phó chủ tịch Hội Y học thể thao và Nội soi khớp Đông Nam Á, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM - cảnh báo các vận động viên đạp xe địa hình phải cẩn thận với các chấn thương do sự tương tác từ chiếc xe trên đường trường.
Với những vận động viên đạp xe đạp 42km và 70km, ngoài những rủi ro bị co cơ, trật khớp còn có những rủi ro do sự tương tác từ xe trên đường trường, đua theo thành tích mà bị té ngã. Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho hay, người đua xe đạp địa hình nếu không may gặp sự cố trên đường trường và bị chấn thương thì các chấn thương thường là nặng hơn so với người chạy bộ trong điều kiện tương tự.
Các chấn thương thường thấy là gãy xương hoặc gãy nhiều xương cùng một lúc, những chấn thương gây ảnh hưởng đến cột sống, lồng ngực, bụng. Nhiều trường hợp có thể gãy những xương lớn như xương chậu, xương cột sống, chấn thương ngực, phổi, dẹp phổi… làm ảnh hưởng đến các chức năng sau này và ảnh hưởng đến cả tính mạng của người chơi.
Do đó, khi bị đa chấn thương, chấn thương nặng, bản thân vận động viên phải nằm im tại chỗ và đồng đội trong nhóm cũng không được xoay trở, nên chờ nhân viên y tế đến can thiệp khi mình không có kiến thức về y tế. Khi bị tổn thương, các vận động viên cần phải đối diện với thực tế, không nên hốt hoảng hay sợ hãi quá mức vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương nặng hơn.
Với những vận động viên đạp xe cự ly 42km, 70km, khi ngồi lâu, vùng cột sống rất quan trọng dễ bị đau lưng, thoái hóa cột sống. Do đó, chạy xe đạp cần có các dụng cụ bảo hộ vùng gối, vùng cổ tay. Đặc biệt, khi nắm tay lái lâu, các vận động viên dễ bị hội chứng ống cổ tay do bị gập, đến những giai đoạn nghỉ ngơi cần có bài tập cho ống cổ tay, kể cả những bài tập cho lưng. Trước cuộc đua một ngày, các vận động viên cần được thả lỏng, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Hoàng Nhung