LTS: Những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) hoặc những thiết bị công nghệ cá nhân ngày càng rẻ và đa dạng hơn cũng là lúc người dùng phải chịu đựng sự “tra tấn”, thậm chí là lừa đảo từ các dịch vụ nội dung số. Trong chuyên đề dưới đây, báo Sài Gòn Tiếp Thị gửi đến bạn đọc một phần nào đó của thực tế không mấy dễ chịu này mà người dùng di động tại Việt Nam đã gặp, cho dù là vô tình.
Các nhà mạng đang có doanh thu lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng trong việc thu phí từ các dịch vụ nội dung số trên mạng di động, bắt nguồn từ những tin nho nhỏ, có trị giá vài ngàn đồng. Có những khoản thu phí bất ngờ mà người tiêu dùng không được báo trước, không được hỏi rằng: “Bạn có muốn sử dụng dịch vụ này hay không?”…
Lấy đến đồng tiền cuối cùng
Vô tình bấm vào đường link (đường dẫn liên kết tới các trang web hoặc cổng thông tin dịch vụ trên mạng) và kích hoạt dịch vụ nội dung có thu phí đã trở thành lỗi phổ biến đối với những ai đang sử dụng điện thoại di động. Khá nhiều người cho biết, cho dù họ không đăng ký dịch vụ 3G để kết nối Internet nhưng lại bị trừ tiền “một cách đáng ngờ” do lỡ tay bấm vào các đường link lạ xuất hiện trên mạng. Cách đây khoảng hai năm về trước, tình trạng gửi tin nhắn WAP Push mời chào người dùng bấm vào để đọc tin tức đã tràn lan trên mạng di động. Cứ mỗi lần người sử dụng điện thoại “nhẹ dạ” bấm vào đường link lập tức bị tính tiền. Hiện nay, kiểu quảng cáo “dụ người đọc” qua WAP Push lại một lần nữa đã bùng nổ.
WAP Push là dịch vụ tin nhắn được gửi từ các đầu số thông qua máy tính đến các thuê bao di động một cách tự động; nó chỉ hiển thị tên người gửi hoặc unknown (không rõ người gửi) thay cho số điện thoại. WAP Push thường là hình thức hợp tác giữa nhà mạng di động và một số công ty khai thác dịch vụ nội dung số trên di động (Content Provider – CP). Thông qua các mạng di động như MobiFone, Vinaphone, Viettel… các CP tha hồ thả “mồi” với nội dung hấp dẫn như xem ảnh “mát mẻ”, chơi game trúng thưởng… Chiêu kiếm tiền này đặc biệt hiệu quả vì người dùng khó mà biết được mình đang bị móc túi bởi vì khi bấm vào đường link cũng đồng nghĩa với việc đồng ý sử dụng dịch vụ và trả phí.
Kiểu bòn rút tiền này “nguy hiểm” hơn hình thức nhắn tin vào đầu số dịch vụ vì các WAP Push này sẽ lấy tới đồng tiền cuối cùng của nạn nhân. Thay vì nhắn tin vào đầu số mất nhiều nhất là 15.000 đồng/tin (tùy đầu số) thì WAP Push sẽ rút hết tiền trong tài khoản khi người dùng vô tình kích hoạt dịch vụ. Đặc biệt, mã thanh toán đã được tích hợp luôn vào các đường link hoặc núp trong những banner quảng cáo trên các game miễn phí trên Android, iOS, Windows Phone…
[box type="bio"] Tin nhắn rác làm lợi cho nhà mạng
Xuất phát từ nhu cầu chặn tin nhắn rác (spam SMS), các nhà mạng đã tung ra dịch vụ chặn tin nhắn rác với chi phí khoảng 10.000 đồng/tháng. Các thuê bao di động Vinaphone nếu muốn ngừng nhận tin nhắn rác phải đăng ký dịch vụ chặn tin nhắn rác. Nhiều người tiêu dùng đã bức xúc với chuyện thu phí chặn tin nhắn rác này. Bởi vì họ cho rằng các nhà mạng đương nhiên phải chặn tin nhắn rác để tránh làm phiền khách hàng.[/box]
“Dính” từ lúc “khui” SIM
Tại Việt Nam, các nhà mạng đều có dịch cụ cung cấp nội dung số. Theo đó, Viettel có Viettel Plus, MobiFone có LiveInfo, và V-Live hiện đang thuộc về Vinaphone. Các “công cụ” này cung cấp tin tức, game, video clip… cho tất cả thuê bao di động, kể cả thuê bao đang dùng loại điện thoại không có tính năng nối mạng (qua 3G hoặc kết nối GPRS). Thông thường, các nhà mạng đã tích hợp sẵn các dịch vụ kể trên vào thẻ SIM. Và như thế, một khi kích hoạt SIM tức khách hàng đồng thời đã mở dịch vụ và các tin nhắn dạng flash mời chào cứ thế... tràn về.
Các tin nhắn dạng này cứ xuất hiện liên tục trên màn hình theo tần suất 3-5 phút/lần. Nếu người dùng lỡ tay bấm vào sẽ nhảy ra thông báo mời đọc tin. Mỗi tin sẽ có giá cước 500 đồng/lần đọc hoặc thu trọn gói 7.000 đồng/tháng (như DailyExpress của Viettel). Ông Nguyễn Văn Dũng (quận 2, TPHCM) cho biết, hình thức đọc tin di động này làm hao tốn pin điện thoại dù không phải ai cũng cần đọc tin kiểu này. Bên cạnh đó, có một số người tiêu dùng phản ánh với báo Sài Gòn Tiếp Thị rằng dù họ không hề đăng ký sử dụng các dịch vụ như Beme, Keeng… nhưng nhà mạng lại trừ tiền trong tài khoản. Mỗi lần như vậy, thuê bao di động lại bị trừ 5.000-15.000 đồng. Cụ thể, bà Kim Ngân, nhân viên một công ty truyền thông ở TPHCM cho biết, bà hoàn toàn không chơi game trên chiếc smartphone của mình nhưng đột nhiên tài khoản của bà lại bị trừ với lý do đã chơi game mobile có tên gọi là Beme.
Qua ghi nhận, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị thấy rằng các dịch vụ kể trên được đăng ký một cách tự động trên mạng; người dùng điện thoại di động cứ bấm vào đường dẫn là kích hoạt và thu phí. Đường dẫn kích hoạt các dịch vụ này ẩn trong các banner quảng cáo hoặc nằm trong các ứng dụng game, phần mềm giải trí…
Một kiểu “mất tiền được xem là chính đáng” khác đối với các thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G. Từ tháng 10-2013, cước di động 3G đã tăng từ 2.930 đồng/50KB lên thành 9.765 đồng/50 KB. Từ thời điểm này, các nhà mạng cũng chuyển sang hình thức tính cước theo block 50 KB + 50 KB (kilobyte) thay vì dùng block 10 KB + 10 KB như trước. Theo đó, dù khách hàng chưa dùng dịch vụ 3G đến dung lượng 50 KB (ví dụ 10 KB hoặc 20 KB) nhưng nhà mạng cũng sẽ làm tròn 50 KB. Việc làm tròn số này đã giúp cho các nhà mạng thay vì chỉ thu được vài trăm đồng/10 KB thì có thể thản nhiên bỏ túi gần 10.000 đồng cho mỗi lần truy cập mạng di động 3G (theo 50 KB).
Chí Thịnh
Kỳ sau: Những nẻo đường... mã độc