Nhiều năm gần đây, ở thành thị, mỗi khi mưa gió là hàng loạt cây xanh đổ gãy. Năm 2014, liên tiếp các sự cố cây đổ làm chết người, đè bẹp xe cộ, hư hại nhà cửa, khiến người dân lo lắng, sợ hãi. Không phải bão, mà chỉ cần mưa dông, lốc xoáy đã đủ sức quật ngã cây to ven đường ở nhiều thành phố như Hà Nội, TPHCM...
Chỉ tính riêng tại TPHCM, trong thời gian qua đã xảy ra những vụ cây đổ gây hậu quả nghiêm trọng. Như giữa tháng 8 rồi, một gia đình gồm cha mẹ và đứa con nhỏ đang lưu thông đến ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) thì bị cây đổ đè trong khi trời mưa lớn. Người vợ tử vong còn hai thành viên kia cũng bị thương. Đây chỉ là một trong những vụ tai nạn do cây ngã đổ gây ra. Không chỉ trời mưa gió cây mới đổ, mà cây còn đổ ngay cả khi trời nắng, không hề có dông lốc. Tại TPHCM cũng đã xảy ra một vài trường hợp như vậy và gây tai nạn cho người đi đường.
Quan sát những hình ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy ngay số cây bị ngã đổ này là do rễ cọc đã bị cụt. Kế đến, các hố trồng cây trên phố thường được đào không rộng, không sâu, thường vào khoảng 50 cm đường kính và chiều sâu. Thêm vào đó, do trồng trên phố nên cây cũng bị nhiều tác động từ việc lắp đặt các công trình khác như cáp, đường điện, đường ống thoát nước. Quan trọng hơn, việc “bê tông hóa” ngày càng dày đặc đã khiến đất cho cây không còn nhiều. Những điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ rễ của cây, dẫn đến độ bám, độ sâu của bộ rễ không còn mạnh như cây ngoài tự nhiên.
Ví dụ như cây xà cừ, đây là loại cây được trồng nhiều ở các đô thị trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, loại cây này khi có tuổi thọ vài chục năm thì bộ rễ chỉ còn lại số ít rễ phụ to ăn ngang. Vì sao như vậy? Vì xà cừ có đặc điểm sinh học là hễ cây bị tổn thương chỗ nào thì lập tức cây tiết ra rất nhiều nhựa bao che, bọc kín vết thương... Hệ quả là phần đáy của bộ rễ có rất nhiều khối u phủ khắp, không còn khe kẽ nào cho các rễ phụ chui qua, ăn sâu, bám rễ xuống đất nữa! Đã thế, gỗ xà cừ lại thuộc loại cứng nặng, cành cây hầu hết đều to-dài-tán tỏa rộng mang rất nhiều lá, cho nên dù lá không lớn mà tán vẫn rất nặng, sức cản gió rất cao, chỉ cần gió đẩy tán lệch khỏi trọng tâm là tán kéo cây đổ ập, khiến cho xà cừ trong nhiều năm qua là loài cây dễ bị đổ gãy nhất.
Để trồng cây đường phố, chúng ta phải trồng loại cây con có bầu để đảm bảo cây đem trồng còn rễ cọc. Hố trồng cây phải đào sâu, sâu gấp đôi so với bầu cây. Thao tác sau khi đặt cây xuống hố phải lột bỏ vỏ bầu, vun đất nhỏ rồi dùng tay lèn thật chặt, tránh làm vỡ bầu cây.
Song song đó, cây trồng đường phố phải chọn loài cây có rễ cọc ăn sâu, thân sớm hóa gỗ – trụ vững trong gió mưa, cành nhỏ, lá không to, tán thưa và đẹp. Cây trồng đường phố phải có tán càng ít cản gió bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Mong mỏi lớn nhất của người viết bài này là sớm chấm dứt tình trạng cây đổ gây chết người, thiệt hại tài sản, ách tắc giao thông, khiến người dân thị thành nơm nớp lo lắng, sợ hãi mỗi khi đi lại trên đường.
TS. Lê Hồng Phúc