(SGTT) - Thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, xây dựng bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D, mô hình kinh tế khởi nghiệp từ các món ăn tiêu biểu... là một số nội dung chính trong đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024" do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) công bố vào chiều 17-6 tại TPHCM.
- Khảo sát di sản văn hóa ẩm thực cho dự án 100 món ăn tiêu biểu Việt Nam
- Cùng 10 nghệ nhân ẩm thực tôn vinh “Tinh hoa ẩm thực Việt”
- Hai năm "Cô Vy" và câu chuyện tự hào ẩm thực Việt
Theo ban tổ chức, Việt Nam từ lâu đã có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc trải dài ba miền đất nước với hàng ngàn món ăn tiêu biểu. Không chỉ trong dải đất hình chữ S, ẩm thực Việt còn được bạn bè quốc tế ghi nhận với rất nhiều danh sách xếp hạng bánh mì, phở... là món ngon của thế giới.
Chính vì vậy, VCCA đã xây dựng đề án nhằm khảo sát, thu thập dữ liệu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Qua đó, là bước đệm để lan tỏa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Cụ thể:
- Năm 2022: Thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của VCCA.
- Năm 2023: Thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam từ nguyên liệu chế biến, định chuẩn và cách chế biến, nội dung, hình thức thể hiện... Qua đó, chọn ra các món tiêu biểu để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp.
- Năm 2024: Chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ Ẩm thực Việt Nam và hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan.
Chia sẻ tại lễ công bố, Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA, cho hay song song câu chuyện nâng tầm ẩm thực Việt thành thương hiệu quốc gia hay số hóa ẩm thực Việt thì đề án còn giúp mọi người nhận diện rõ ba lợi ích dài hạn, quan trọng xoay quanh câu chuyện trên, gồm: khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.
Sự kiện cũng ghi nhận buổi lễ ký kết đánh dấu sự hợp tác giữa Liên minh chuyển đổi số (DTS) và VCCA, trong thời đại công nghệ 4.0 tiên tiến cần chuyển đổi số dữ liệu. Được biết, đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024" thu hút sự tham gia của rất nhiều nghệ nhân, giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như văn hóa - lịch sử, công nghệ thực phẩm... nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất trong những năm triển khai.
Phúc An