(SGTT) - Thời gian gần đây, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu liên tục xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Cơ quan chức năng và địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục cũng như chủ động ứng phó trước diễn biến trên, trong đó, có việc đề xuất chi hàng tỉ đồng thực hiện dự án chống sạt lở.
- Những dấu hiệu nhận biết sạt lở đất trong mùa mưa lũ
- Cần có những dự án lớn, lâu dài để chống sạt lở vùng ĐBSCL
Theo TTXVN, cuối tháng 5 vừa qua, tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã xảy ra sạt lở bờ sông Bình Thủy, làm 10 căn nhà bị sụp một phần xuống sông Bình Thủy. Ngay sau đó, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã bố trí nhân lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở; tháo dỡ, di dời các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn; lắp đặt biển báo, căng dây cảnh báo và thông báo rộng rãi cho người dân quanh khu vực. UBND thành phố Cần Thơ cũng có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phân bổ kinh phí đầu tư dự án kè chống sạt lở sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam). Kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỉ đồng.
Ở Bạc Liêu, chỉ tính riêng tại thị xã Giá Rai, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra liên tiếp 3 vụ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Địa phương có nguy cơ tiếp diễn tình trạng này. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, những bộ ngành liên quan hỗ trợ hơn 3.660 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án tại các khu vực sạt lở nguy hiểm và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài 82,3 km.
Tỉnh Bến Tre đang có khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Nhiều địa phương đang có mức độ sạt lở nghiêm trọng như khu vực bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; bờ sông Mỏ Cày; khu vực các cồn Tam Hiệp, Phú Đa, Thành Long. Tỉnh đang cần bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỉ đồng.
Hiện nay, tỉnh đang thi công hai công trình bờ kè chống sạt lở lớn ven sông, ven biển ở các huyện Châu Thành và Ba Tri với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 đã hỗ trợ cho tỉnh Bến Tre.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện còn 48 điểm, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm cần khắc phục khẩn cấp Với tổng chiều dài khoảng 214 km. Ước kinh phí khắc phục sạt lở bờ sông hơn 4.300 tỉ đồng và khắc phục sạt lở bờ biển hơn 1.500 tỉ đồng. TTXVN dẫn thông tin từ ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xây kè, đê bảo vệ các đoạn xung yếu. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương hạn chế nên UBND đã có văn bản kiến nghị bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn cho tỉnh khắc phục sự cố sạt lở.
Về nguyên nhân sạt lở, tác động của biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội như vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch, khai thác cát, sỏi quá mức cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những tình trạng trên.
Về biện pháp lâu dài, các bộ, ngành thực hiện theo quyết định số 1162 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 là 4.000 tỉ đồng cho các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó là thực hiện theo những chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung vào việc quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép để đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm…