Bích Nhan -
Tôi đi dạy học bằng xe buýt. Đoạn đường đi - về chừng tám mươi cây số. Phải đi bộ một đoạn khá xa từ nhà đến bến xe và từ bến xe vô trường. Mấy ngày đầu chưa quen, xuống xe nhừ quá nên chỉ đi thôi cũng thấy mệt. Nhưng khi đã quen mùi xe rồi, tôi thủng thẳng vừa đi vừa nhìn.
Con đường nhựa trơn láng, những ngôi nhà khang trang tráng lệ nằm hai bên đường. So với cái ngày tôi rời quê, cầm hồ sơ lên núi xin việc thì quá khác. Thấy vui vui vì quê mình bây giờ chẳng khác chi thành phố. Nhưng không chỉ có những ngôi nhà uy nghi, tôi phát hiện hai bên đường, giữa lòng đường còn có những vỏ lon, vỏ chai…
Không chỉ ngoài đường, khi đi bộ, tôi nhìn thấy dưới gốc những cây hoa giữa sân trường cũng có rác, đặc biệt là mùa nắng. Trong những giờ dạy học của mình, tôi thường tranh thủ thời gian để nói với học sinh về rác, yêu cầu các em bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng vứt rác bừa bãi. Lý thuyết thì em nào cũng nói được, nhưng thực tế thì sân trường vẫn có rác, dù thùng rác rất to và có hẳn dòng chữ “Làm ơn cho tôi xin rác”.
Kể chuyện này ra không biết mọi người có cười không, chứ tôi bị nhiều người chăm chăm nhìn và cười mỉm mỉm rồi. Người ta cười bà cô giáo mặc áo dài mà đi đường nhặt từng vỏ lon. Chắc là họ cười tôi chắt mót thê thảm. Ban đầu tôi cũng hơi mắc cỡ nhưng nghĩ lại thì không vì tôi không làm gì xấu. Đặc biệt sau này, khi người ta nhìn, tôi càng thấy vui vì mình không giống mọi người.
Lượm rác bằng cách nào? Đoạn đường đi bộ tôi phải mang dép nên luôn cầm theo cái túi bỏ đôi giày trong đó. Khi phát hiện có nhiều vỏ lon bên đường, tôi cầm cái túi to hơn, thấy ve chai đâu thì nhặt đó. Từ lon bò húc, nước yến, nước bí đao, bia đến nước suối và vân vân...
Giữa sân trường, tôi nhặt chai nước suối, có em học trò chạy lại cám cảnh: “Chi cực vậy cô ơi, chục cái vỏ chai chỉ bán được một ngàn đồng”. Tôi trả lời: “Nhặt cho sạch sân trường và lại có tiền, một mũi tên trúng hai đích thì sao lại cực?”
Tôi bỏ một cái bao tải to sau nhà để chứa “chiến lợi phẩm”. Cứ đầy bao thì kêu chị ve chai vô bán. Tiền bán ve chai tôi cho con nuôi heo đất. Con trai tôi thấy vậy cũng tranh thủ vừa đi học vừa lượm nhôm nhựa.
Một người lớn trong xóm gặp tôi mắng vốn: “Nghĩ sao con cô giáo mà vừa đi học vừa nhặt ve chai, bôi bác…”. Tôi cười: “Dạ, con khuyến khích cháu làm đấy”.
Kết quả, sau một năm hai mẹ con nhặt ve chai, con trai đập con heo đất ra được bốn trăm ngàn đồng.
Có bốn trăm ngàn, con trai xin mẹ xuống phố chơi. Tôi đồng ý liền. Hai mẹ con ghé lại tháp Nhạn. Hôm ấy, khách du lịch đến rất nhiều. Trời nắng nên cái quán nước dã chiến có nhiều khách ghé mua. Những vị khách Việt váy áo bảnh bao uống xong nước thì thả chai rơi xuống đất, có người “siêng” hơn thì ném vô bụi.
Điều làm tôi ấn tượng là có một vị khách Tây, sau khi uống xong chai nước, vị này ra dấu hỏi cô chủ quán thùng rác đâu. Cô bối rối vì thùng rác nằm ở ngoài cổng vào, cách quá xa chỗ hàng nước. Khi cô còn chưa biết trả lời sao, vị khách liền vặn nắp chai lại, bỏ trên bàn với ám hiệu nhờ cô bán nước vứt dùm vào sọt rác.
Chứng kiến cảnh ấy, tôi kéo con trai lại, xin được chụp chung với vị khách ngoại quốc kia một tấm ảnh. Tôi dặn con, hãy học cách vứt rác của người đàn ông này, rồi con sẽ trở thành một người đàn ông lịch lãm.