Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Dấu xưa – Hồn phố: Về thăm gian nhà xưa của cụ ‘Tam nguyên Yên Đổ’

(SGTT) – Tọa lạc tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, di tích từ đường Nguyễn Khuyến được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Theo báo Hà Nam, đây là ngôi nhà cổ 5 gian - nơi nhà thơ từng sinh sống thời khoa cử và những tháng năm tuổi già sau khi cáo lão, từ quan. Ảnh: T.T
Ngôi nhà được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim. Trong khuôn viên Từ đường vẫn giữ được vườn cây, ao cá... mang đậm chất nông thôn vùng Bắc Bộ. Ảnh: T.T
Theo chia sẻ của hậu duệ cụ Nguyễn Khuyến (người đang thuyết minh), chữ khắc trên tường là bài thơ của Nguyễn Khuyến được viết mực, sau đó, mời thợ mộc vào khắc lại theo nét chữ của Nguyễn Khuyến. Ảnh: T.T
Tấm bia đá khắc bài “Thu Điếu” - bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ được khắc bằng cả chữ Nôm, chữ quốc ngữ và dịch sang tiếng Anh. Ảnh: T.T
Vườn nhà từ đường Nguyễn Khuyến có rất nhiều cây cảnh truyền thống của người Việt vùng thôn quê. Ảnh: T.T
Hiện nay, gian nhà còn lưu giữ và trưng bày một số tranh ảnh của cụ Nguyễn Khuyến trong kỳ thi năm xưa. Bên cạnh đó, còn có bức tượng đá tạc hình nhà thơ tay chống gậy trúc, dáng đứng thư thái ngắm cảnh. Ảnh: T.T
Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), sinh tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội ông ở làng Vị Hạ (tục gọi làng Và), xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông liên tiếp đỗ đầu ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và được người đời ca tụng là “Tam nguyên Yên Đổ”. Ảnh: T.T
Các sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn hàng trăm bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt là chùm ba bài thơ Thu Điếu, Thu Ẩm, Thu Vịnh thấm đẫm hồn Việt, gắn liền với bao thế hệ học trò Việt Nam. Ảnh: T.T

Theo UBND tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam điện tử

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề