(SGTT) - Nằm trên phố Hàng Bạc, di tích quốc gia đình Kim Ngân được xây dựng vào thời Hậu Lê, là nơi thờ ông tổ bách nghệ và tổ nghề kim hoàn.
- Dấu xưa – Hồn phố: Cây cầu được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật ở TPHCM
- Dấu xưa – Hồn phố: Đến quận 4 thăm đình Khánh Hội
- Dấu xưa – Hồn phố: Về thăm Sa Đéc, đô thị cổ bên dòng Sa Giang
Đình Kim Ngân có tên chữ là “Kim Ngân đình thị” nghĩa là chợ đình Kim Ngân, Kim Ngân có nghĩa là vàng bạc. Khi xưa nơi đây vốn là nơi trao đổi buôn bán hàng hoá của nghề kim hoàn truyền thống.
Theo Báo Điện tử Chính phủ, từ thời Lê Thánh Tông (1160 - 1497), Quan Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập xưởng đúc bạc nén ở Kinh thành. Ông đã đưa người dân làng Châu Khê ra làm nghề này.
Dần dần, người dân Châu Khê lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông, từ nghề đúc bạc nén tiến tới đổi bạc, đổi tiền, làm nghề vàng bạc và mỹ nghệ kim hoàn, thành phường hội rồi trở nên phố nghề Hàng Bạc ngày nay.
Đình Kim Ngân được người Châu Khê khởi dựng và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 2013, đình Kim Ngân được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Theo TTXVN, đình cơ bản mang đặc trưng của đình làng truyền thống với nghi môn, sân, đại đình, hậu cung. Nhưng do vị trí trong phố cổ nên diện tích hẹp bề rộng, phát triển về chiều sâu. Hiện, đình còn lưu nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn tạo nên.
Ngày nay, ngoài chức năng phục vụ hoạt động tín ngưỡng cho người dân đình còn là nơi tổ chức các buổi triển lãm về nghề thủ công truyền thống, mở cửa phục vụ các hoạt động nghiên cứu và tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam.