Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đầu tư hiệu quả cho hệ thống điện mặt trời hộ gia đình

(SGTT) - Do mức tiêu thụ điện năng khá cao, một số gia đình có nhu cầu gắn hệ thống điện mặt trời tại gia để góp phần tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết rõ về việc khi nào cần trang bị hệ thống điện mặt trời hoặc nếu dùng điện mặt trời thì phải đầu tư ra sao.

Nên khảo sát tình hình sử dụng điện

Theo tư vấn từ một số công ty cung cấp giải pháp điện mặt trời, các gia đình muốn trang bị hệ thống điện mặt trời nên nhờ các đơn vị chuyên môn khảo sát tình hình sử dụng điện trước khi quyết định lắp đặt. Nếu trang bị hệ thống lớn quá sẽ lãng phí, còn quy mô quá nhỏ lại không đủ lượng điện dùng trong sinh hoạt.

Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt tại một ngôi nhà ở TPHCM. Ảnh: Ngọc Linh.

Nhân viên Công ty HME Solar (TPHCM) ước tính 1kWp điện mặt trời sẽ cho ra sản lượng điện khoảng 120kWh/tháng; dựa theo chỉ số này sẽ tính được nhu cầu hệ thống điện mặt trời cần lắp đặt. Ví dụ, hàng tháng gia đình tiêu thụ khoảng 240kWh thì nên lắp bộ điện mặt trời áp mái khoảng 2kWp là phù hợp (kWp viết tắt của Kilowatt Peak).

“Nếu gia đình chủ yếu dùng điện vào ban đêm cho máy lạnh, máy giặt, đèn chiếu sáng… thì phải đầu tư hệ thống điện mặt trời lớn, có trang bị ắc-quy lưu trữ điện. Còn nếu dùng điện nhiều vào ban ngày thì chỉ cần trang bị hệ thống điện mặt trời hoà lưới không lưu trữ”, nhân viên này nói.

Các chuyên gia về điện mặt trời cho biết, các hộ gia đình còn phải khảo sát chi tiết về diện tích mặt bằng lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Nếu diện tích nhỏ quá cũng không thể lắp đặt hệ thống đúng yêu cầu. Ví dụ như diện tích cần để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 1kWp vào khoảng 6-10m2.

Về cơ bản, dựa vào chỉ số điện tiêu thụ hàng tháng trong hóa đơn, các hộ gia đình cũng có thể tự tính được mình có cần đầu tư hệ thống điện mặt trời hay không. Đồng thời, các đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời hiện nay đều nhận tư vấn, cử chuyên gia đến tận nơi khảo sát… không tính phí.

Hơn 20 triệu đồng 1kWp điện mặt trời

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần thương mại Solar Gates, mức đầu tư 1kWh điện mặt trời cho hộ gia đình vào khoảng 20 triệu đồng, chưa tính thuế giá trị gia tăng. Tuỳ diện tích lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tính toán số tiền đầu tư, ví dụ hệ thống 2kWp sẽ cần hơn 40 triệu đồng.

Trước đó, SolarBK đã ra mắt gói giải pháp điện mặt trời BigK (trước đây là BigKilowatt) dành cho hộ gia đình với công suất 2-10kWp và được phân phối bởi SolarGates. Nhờ chia nhỏ công suất hệ thống điện mặt trời nên giá thành được chia theo từng Wp và dễ dàng tính toán mức đầu tư cho từng gia đình.

Ví dụ, gói điện mặt trời BigK với công suất 5,12kWp sẽ tạo ra 614kWh/tháng, người tiêu dùng có thể tiết kiệm hơn 1,5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Gói nhỏ hơn với công suất 2,56kWp tạo ra 307kWh/tháng, tiết kiệm khoảng 600.000 đồng/tháng. Gói BigK 5,12kWp có số tiền đầu tư khoảng 106 triệu đồng; còn gói 2,56kWp là 53 triệu đồng (khoảng 20.700đồng/Wp).

Solar Gates đang cung cấp giải pháp điện mặt trời dành cho hộ gia đình BigK là hệ thống điện mặt trời nối vào lưới điện quốc gia (điện hòa lưới) và không có bộ lưu trữ điện. Đây là hệ thống vừa sử dụng trong nhu cầu sinh hoạt gia đình và nếu có dư có thể bán lại cho công ty điện lực địa phương.

Một gia đình có mức tiêu thụ điện hàng tháng vào khoảng 600kWh sẽ cần phải đầu tư hệ thống điện mặt trời khoảng 5kWh, trị giá khoảng 100 triệu đồng hoặc thấp hơn tuỳ điều kiện khảo sát cụ thể. Người dùng có thể chú ý tới hai gói giải pháp điện mặt trời hoà lưới với công suất 2,56kWp và 5,12kWh do Solar Gates cung cấp với chi phí đầu tư lần lượt hơn 50 triệu đồng và 100 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, mức sử dụng điện hàng ngày sẽ quyết định người dùng có nên đầu tư vào hệ thống điện mặt trời không; hoặc đầu tư bao nhiêu cho phù hợp. Thông thường, các gia đình có mức sử dụng điện cao (từ 240kWh trở lên) mới nên cân nhắc việc trang bị hệ thống điện mặt trời hoà lưới.

Một gia đình có mức sử dụng điện khoảng 120kWh nên cân nhắc khi quyết định lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời vì chi phí đầu tư khá tốn kém. Thay vào đó, có thể lắp đặt hệ thống sử dụng điện mặt trời sử dụng trực tiếp cho thiết bị máy nước nóng để tiết kiệm hơn.

Vì sao chọn hệ thống điện mặt trời hoà lưới?Các gia đình thường chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoà lưới, không lưu trữ. Một hệ thống khoảng 2kWp có thể tạo ra 250-300kWh/tháng, giúp tiết kiệm chi phí đèn chiếu sáng, quạt máy, tivi; còn các thiết bị máy lạnh, máy nước nóng có thể dùng điện lưới quốc gia.Hệ thống điện mặt trời độc lập, có ắc-quy lưu trữ điện sẽ giúp gia đình chủ động được nguồn điện. Hệ thống điện mặt trời độc lập đảm bảo chất lượng phải có công suất phù hợp nhu cầu sử dụng điện; công suất của hệ thống phải bằng với công suất tiêu thụ.

Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Công sở xây mới phải có thiết kế cho điện mặt...

0
(SGTT) - Bộ Xây dựng được giao xây dựng quy chuẩn đối với trụ sở cơ quan công sở được xây dựng mới phải...

Trung Quốc cắt giảm công suất phát của các dự án...

0
(SGTT) - Tốc độ tăng trưởng lắp đặt điện mặt trời của Trung Quốc đang chậm lại do tình trạng tắc nghẽn lưới điện...

TPHCM sẽ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại 440...

0
(SGTT) - Dự kiến có 440 trụ sở các cơ quan, đơn vị tại TPHCM được lắp đặt điện mặt trời mái nhà với...

Cần có cơ chế, chính sách mua bán điện mặt trời...

0
(SGTT) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước 30-4, Bộ Công Thương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế,...

TPHCM tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất 2024

0
(SGTT) - Tối 23-3, TPHCM đã tổ chức đêm sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 diễn ra từ 20...

Kết quả thanh tra Quy hoạch điện VII: 54 dự án...

0
(SGTT) - Thanh tra Chính phủ xác định, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu...

Kết nối