(SGTT) - Nghiên cứu tại Anh cho thấy, đau đầu là một trong những triệu chứng hàng đầu của Omicron.
- TPHCM rà soát được 2.400 héc ta đất dự kiến thu hồi tạo nguồn vốn làm đường vành đai 3
- Nhiều chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động
Theo Zing, mới đây, nghiên cứu ứng dụng ZOE COVID tại Anh cho biết, đau đầu nằm trong số 5 triệu chứng hàng đầu của Omicron. Đây có thể là triệu chứng thường gặp hàng ngày, nhưng nguyên nhân đau đầu do Omicron gây ra cho cảm giác khác với những nguyên nhân khác.
"Mặc dù đau đầu là triệu chứng ít được biết đến của Covid-19, nó là một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh và phổ biến hơn các triệu chứng đặc trưng là ho, sốt và mất khứu giác", các nhà nghiên cứu tại ZOE COVID nhận định.
Theo India Times, đau đầu dai dẳng là dấu hiệu ban đầu của biến chủng Omicron và thường đi kèm với các triệu chứng khác như chảy nước mũi, đau họng và mệt mỏi. Cường độ đau đầu của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố gây ra.
Cơn đau đầu do Omicron gây ra cũng kéo dài trong khoảng 3 ngày, ngay cả khi dùng thuốc giảm đau. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức cả hai bên đầu. Toàn bộ đầu của người bệnh có thể căng và đau. Các chuyên gia cho hay, đau đầu trong trường hợp nhiễm Omicron có thể là phản ứng viêm của cơ thể khi nó chống lại virus.
Trước đây, Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) Anh đã công bố 20 triệu chứng và dấu hiệu có thể cho thấy một người đã nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ngoài 3 triệu chứng chính là sốt, ho nhiều, mất khứu giác hoặc vị giác, NHS còn liệt kê một số dấu hiệu ít phổ biến hơn ở người nhiễm Omicron. Các dấu hiệu này giống với cảm lạnh thông thường.
Các triệu chứng như hắt hơi, đau người và mệt mỏi thường nhẹ nhưng các chuyên gia kêu gọi khi có bất kỳ triệu chứng nào như vậy thì nên đi xét nghiệm. Đau đầu và sổ mũi là các triệu chứng phổ biến nhưng có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo ít phổ biến hơn cần chú ý.
Ngày 27-2, cả nước thêm 86.990 ca nhiễm mới
Theo Bộ Y tế, hôm nay ngày 27-2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 86.990 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 86.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.996 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó, TPHCM có 1.969 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm Nghệ An (-1.044), Lai Châu (-475), Tuyên Quang (-387). Trong khi đó, một số địa phương lại ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với ngày trước đó như Lạng Sơn (+3.960), Quảng Ninh (+3.438), Bắc Ninh (+996).
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.321.005 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 33.619 ca nhiễm).
Trong ngày 27-2, có 35.866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.411.912 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.190 ca.
Hà Nội hỏa tốc cho học sinh các huyện dừng học tập trung
Theo Pháp Luật Online, ngày 27-2, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã kí văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến để phòng dịch. Thời gian từ ngày 28-2 cho đến khi có thông báo mới.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, số ca lây nhiễm cộng đồng cũng như trong các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng. Trong khi đó, học sinh trong độ tuổi 5-11 chưa được tiêm vắc-xin, dẫn đến việc cha mẹ băn khoăn, lo lắng.
Đến lúc này, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở Hà Nội chỉ ở mức xấp xỉ 10% so với tổng số F0, với số tuyệt đối là 17.384 tường hợp, trong đó chỉ 597 ca phải điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, phụ huynh băn khoăn về việc để con đến trường học tập trung, thể hiện qua tỷ lệ đồng thuận chưa cao.
Vì vậy, chính quyền Hà Nội đã thống nhất với đề xuất của Sở GD&ĐT, thông báo chuyển hình thức học ở một số địa bàn từ tập trung sang trực tuyến.
Với quyết định này, từ lớp 1-8 ở 18 huyện, có 5.199/11.501 lớp thị phải điều chỉnh hình thức dạy học, chiếm 45,2%. Còn lại 6.302 các địa phương khác tiếp tục ưu tiên học trực tiếp.
Phùng My tổng hợp