(SGTT) - "Ngoài công thức hợp lý thì chính tâm huyết của người đầu bếp đã tạo nên một món ăn khác biệt, là điểm nhấn cho chính đầu bếp đó”, anh Huỳnh Quang Viên, 32 tuổi, bếp trưởng tại nhà hàng Bọ Biển, TP Quảng Ngãi cho biết.
- Đầu bếp Lê Trọng Thuật và giấc mơ về sân chơi cho đầu bếp xứ Thanh
- Đầu bếp Phạm Văn Đông và ngã rẽ thành công với nghề cắt tỉa rau củ
- Đầu bếp Nguyễn Thanh Duy: “Tôi muốn trở thành đầu bếp có giá trị”
Theo đó, anh Viên bắt đầu công việc từ năm 20 tuổi, chuyên về các món Á - Hoa, đến nay đã có thâm niên nghề hơn 12 năm. Trong quá trình bén duyên với nghề, anh nhận thấy món ăn Trung Hoa rất phong phú và hấp dẫn.
Cụ thể, với món ăn kiểu Hoa, mọi người sẽ thấy màu sắc đa dạng, người đầu bếp cần trang trí và trình bày công phu. "Như món bò sốt tiêu đen nấu theo khẩu vị của người Hoa sẽ khác với khẩu vị của người Việt. Không chỉ có tiêu xanh, pate sẽ kết hợp cả thịt bò và thịt heo, giúp độ béo của món ăn theo kiểu này cũng ngậy mùi hơn hẳn”, anh Viên cho biết.
Nhớ về khoảng thời gian học tập và sinh sống ở TPHCM khoảng 7 năm, anh Viên cho rằng khó khăn nhất là ở giai đoạn năm 2010-2012 khi đăng ký học tại trường Trung cấp Nghề Nhân lực quốc Tế ở quận Tân Bình, lớp chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn bếp nhà hàng.
"Sáng đi học, chiều tôi phải đi phụ bếp các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố. Thứ nhất là để có tiền sinh hoạt và đóng tiền trọ, thứ hai là vừa học vừa làm sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức”, anh Viên bồi hồi kể.
Nhiều lúc vất vả, anh nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng chính niềm say mê học hỏi và niềm vui khi đứng bếp, anh đã theo đuổi con đường này đến cùng: “Tôi cho rằng mình không phải là một đầu bếp quá tài giỏi hay nổi tiếng, nhưng với những gì tôi khẳng định và chinh phục được chính là niềm tự hào của bản thân. Tôi tin rằng khi mình có đam mê, theo đuổi học hỏi thì sẽ thành công”, anh cho biết thêm.
Được biết, anh đã có nhiều cơ hội làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong gian bếp, từ phụ bếp, đến bếp chính và lên bếp trưởng. Có thể kể đến là bếp phó tại Nhà hàng hải sản Hải Thanh, quận Phú Nhuận, TPHCM năm 2013 hay công việc bếp trưởng tại 2 nhà hàng ở tỉnh Phú Yên là Đại Dương và Đông Quảng. Thời điểm hiện tại anh đang là bếp trưởng tại nhà hàng Bọ Biển, TP Quảng Ngãi.
Cũng trong quá trình làm nghề anh đã đạt được một số giải thưởng có ý nghĩa như giải 2 Hội thi xác lập kỷ lục 100 món ăn từ gạo và các sản phẩm từ gạo năm 2019. Giải 3 liên hoan văn hóa Ẩm thực Phú Yên năm 2019 và giải khuyến khích hội thi ẩm thực món ngon Nha Trang 2019.
Hiện nay anh Viên đã trở về Quảng Ngãi, quê hương của mình để phát triển công việc. Thay đổi môi trường làm việc, nhưng anh Viên xem đó là cơ hội để học hỏi, hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
Anh chia sẻ: “Làm nghề bếp đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. Ngoài sự nỗ lực và chịu khó học hỏi, người đầu bếp cần có sự thay đổi đa dạng nhằm phù hợp với khẩu vị ăn uống vùng miền. Cụ thể như đối với món ăn ở miền Nam thì sẽ có vị ngọt, nhiều béo hơn so với các món ở miền Trung”.
Anh lấy một ví dụ điển hình về nồi cá bống kho tiêu của người miền Trung sẽ kho khác hẳn ở trong Nam. Ngoài hương vị khác biệt, độ mặn ngọt cũng thay đổi, cách kho cá của người Trung sẽ đặc quẹo, chờ đến khi cá thấm đều gia vị và cạn nước thì mới là nồi cá ngon.
Một trong những món ăn mà anh cảm thấy tự hào nhất là món bò vùi xả hương é trắng. Anh Viên cho biết, lá é là loại lá có mùi hương đặc biệt, tựa như mùi quế, sả. “Tôi tìm tòi, kết hợp gia vị và đặc biệt là lá é cắt nhuyễn. Để món bò trở nên khác biệt và giữ được mùi thơm, tôi lót sả phía dưới, bò được ướp đều gia vị và có lá é trắng cuộn trong giấy bạc rồi mới đem nướng trên bếp”.
Đầu bếp Viên chia sẻ, ngoài việc giỏi về chuyên môn, một trong những tố chất cần có của một người đầu bếp chính là đạo đức nghề nghiệp. “Món ăn không chỉ ngon nhờ tỷ lệ thành phần nguyên liệu và cách thức chế biến, mà tình yêu của người đầu bếp dành cho món ăn sẽ là một trong những bí quyết giúp món ăn của người đầu bếp trở nên khác biệt”, anh bày tỏ.
Uyển Cầm