Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Đa dạng gốm sứ Nhật Bản

Cẩm Anh-

Thị trường gốm sứ Nhật Bản tại TPHCM gần đây khá sôi động với đa dạng mặt hàng bày bán từ vỉa hè, cửa hàng đến những trang mạng.

Chúng có nhiều mức giá, đáp ứng nhu cầu chọn mua để sưu tầm, trang trí hoặc sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, với số lượng bày bán tràn lan như hiện nay, người mua cần lưu ý để chọn được sản phẩm chất lượng.

 Khách-hàng-chọn-mua-gốm-Nhật-tại-cửa-hàng-trên-đường-Mạc-Đĩnh-Chi,-quận-1.-Ảnh-Cẩm-AnhKhách hàng chọn mua gốm Nhật tại cửa hàng trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1.  Ảnh: Cẩm Anh.

Nhiều mức giá

Tại cửa hàng gốm sứ Seii Chi trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, các mặt hàng được chia thành nhiều khu vực ở hai tầng lầu. Tầng trệt bán các loại tô chén, ấm trà, bình hoa, đĩa kích thước lớn. Theo người bán, chúng được làm từ men tuyết hoặc men rạn, phục vụ nhu cầu sưu tập theo bộ, trang trí phòng, quà tặng cho người thân… Các mặt hàng này có giá trên 100.000 đồng/sản phẩm, từ 500.000 đồng/bộ.

Chị Thảo, nhà ở quận 3, vừa chọn được một bộ ấm trà và vài cái chén với hình dáng độc đáo. “Tôi sưu tập các sản phẩm gốm Nhật hơn hai năm rồi. Việc sưu tập cũng tốn công lắm vì nhiều món phải theo bộ, theo cặp nên phải lùng kiếm cho bằng được”, chị nói.

Còn tại tầng một, các mặt hàng gốm sứ như đồ gia dụng, vật dụng làm bếp có giá từ 15.000 đồng/cái và thường xuyên có chương trình giảm giá 20-50% tùy loại. Khác với tầng trệt, nơi đây dành cho khách hàng có nhu cầu mua phục vụ sinh hoạt thường ngày. “Trung bình một ngày, cửa hàng tiếp gần 50 lượt khách tham quan và chọn mua, chủ yếu khách tập trung đông vào những ngày cuối tuần”, nhân viên cửa hàng cho biết.

Tại cửa hàng Lạc Xoong trên đường Cao Bá Nhạ, quận 1, các sản phẩm gốm Nhật khá đa dạng, tinh tế. Ngoài vật dụng hàng ngày, tiệm còn có các món trang trí như bình rượu sake mô phỏng hình dáng ngôi nhà, đĩa vẽ hoa văn hoặc cách điệu nhiều hình thù lạ mắt, tô chén in hình búp bê bằng kỹ thuật in ba chiều. Cửa hàng còn có dụng cụ gác đũa hình lá tre, khúc gỗ. Tùy sản phẩm, chúng có giá từ 30.000 đồng/cái hoặc 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/bộ.

Ông Kiểm, chủ cửa hàng gốm sứ Nhật Bản trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, cho biết các mặt hàng thường được nhập nguyên lô. Chúng là những sản phẩm thanh lý, hàng đã qua sử dụng hoặc từ những người sưu tầm nhiều nên bán lại. Ngoài bán cho nhu cầu dùng trong nhà bếp, nhiều người cũng mua nguyên bộ về trưng bày, treo tường. “Một số khách hàng trẻ còn mua các loại tô, gạt tàn thuốc cỡ lớn để trồng cây cảnh kinh doanh do chúng có hình dáng độc đáo và chất lượng gốm tốt”, ông nói.

 

Gốm vỉa hè, trang mạng

Ngoài những cửa hàng kinh doanh gốm sứ Nhật, tại các con đường như Hai Bà Trưng, quận 3, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 hay các tuyến đường lớn ở quận 12, quận Bình Tân, số lượng đồ gốm sứ bày bán khá nhiều. Theo người bán, các mặt hàng này được trộn lẫn gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, chủ yếu là các mặt hàng bị lỗi, hàng đã qua sử dụng nhưng còn nguyên vẹn, lớp men còn dày. Giá các loại chén, ly, lọ hoa, ấm trà, đĩa… từ 10.000-50.000 đồng/cái, nếu khách hàng muốn mua số lượng lớn thì sẽ cân ký với giá từ 40.000- 90.000 đồng/kg.

Trên trang web gomnhat.com, dogomnhatban.com, các trang Facebook như Shop gốm Nhật, Gốm Nhật Shino, Chợ gốm sứ Nhật, các mặt hàng gốm sứ cũng không kém phần đa dạng. Người mua có thể xem hình rồi đặt hàng nhanh chóng với các loại tô chén, ly, đĩa, khay mứt… giá từ 100.000 đồng/cái. Ngoài ra, những trang này còn nhận đặt hàng với số lượng vài trăm sản phẩm.

 

Chọn đúng gốm sứ Nhật

Chị Vũ Hà, chủ cửa hàng gốm Seii Chi chia sẻ, gốm Nhật được nhiều người ưa chuộng hiện nay vì có mức giá trung bình, phù hợp với túi tiền của người Việt. Người mua có thể sưu tập với số lượng nhiều. Chúng có chất lượng khá đảm bảo, lớp men bóng mịn và cảm giác chắc chắn khi cầm tay. Đặc biệt, điểm thu hút khách hàng của gốm Nhật đó là nét độc đáo, tỉ mỉ, kiểu dáng đa dạng, mỗi sản phẩm sẽ mang ý nghĩa riêng.

Tuy nhiên, hiện nay, việc kinh doanh tràn lan đồ gốm Nhật, nhiều nơi trộn lẫn các loại gốm xuất xứ khác nhau khiến cho người mua khó chọn được sản phẩm chất lượng.

Theo chị Hà, người mua có thể phân biệt gốm Nhật bằng một số phương pháp. Các sản phẩm khi nhập từ Nhật về đều có triện phía dưới bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, khách hàng đã có kinh nghiệm sẽ chú ý tới độ sáng mịn của men gốm, trọng lượng sản phẩm, quen thuộc với nét vẽ, màu sắc đặc trưng và đọc được các con dấu riêng biệt của các dòng gốm sứ Nhật. Bên cạnh đó, khách hàng nên lựa chọn các cửa hàng kinh doanh uy tín, chất lượng để tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu hơn phương pháp ‘giải cấu trúc’ thực phẩm

0
(SGTT) - Trong ẩm thực nói chung hay ẩm thực phân tử nói riêng, deconstructed cuisine là khái niệm xuất phát từ phong cách...

Đầu tư thêm 3.760 tỉ đồng cho cao tốc Bảo Lộc...

0
(SGTT) - Hôm nay (21-11), tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa X, các đại biểu đã biểu...

ĐBSCL đối mặt nguy cơ ngập lụt diện rộng do triều...

0
(SGTT) - Theo dự báo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, từ nay đến cuối tháng 11 này, nhiều khu vực tại thành...

Những ‘quy tắc vàng’ giúp tránh bị lừa đảo qua mạng

0
(SGTT) - Hiện nay, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn với nhiều thủ đoạn, hành vi xấu. ...

Mới lạ tô súp cua cô Bông tại chợ Thiếc, gần...

0
(SGTT) - Tọa lạc trong khu chợ Thiếc, quận 11, quầy súp cô Bông đến nay đã hơn 20 năm phục vụ thực khách...

Khám phá ba ‘Làng du lịch tốt nhất thế giới’ tại...

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng Tân Hóa (Quảng Bình), làng Thái Hải (Thái Nguyên) là ba ngôi làng tại Việt...

Kết nối