Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng 53% và hiện ghi nhận hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong. Trước diễn biến phức tạp của bệnh này, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cảnh báo từ đây đến cuối năm có nguy cơ xảy ra dịch lớn về sốt xuất huyết nếu không có các giải pháp phòng chống dịch.
- Bệnh nhân sốt rét nhập viện ở TPHCM cần khai báo lịch sử đi lại
- TPHCM ghi nhận hai ca sốt rét ác tính nhập cảnh từ Châu Phi, bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh
- Số ca mắc nặng tăng 500%, sốt xuất huyết tại TPHCM ở mức báo động
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong, gồm tại TPHCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).
Bộ Y tế cảnh báo hiện tại đang là cao điểm mùa dịch. Số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. Dự báo số ca mắc trong thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Đáng chú ý, TPHCM đang là địa phương có dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất cả nước với số ca mắc nặng tăng cao. Theo bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021 (7.039 ca), trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Riêng khoảng thời gian từ ngày 27-5 đến 2-6, TPHCM có 1.504 ca sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Trong tuần 22 (từ ngày 27-5 đến 2-6), thành phố ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21).
Số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, trừ quận 10. Những phường, xã có số ca sốt xuất huyết tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 5 (quận 8), phường Tân Thới Nhất (quận 12), xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi).
Bà Hồng Nga nhận định, bệnh sốt xuất huyết hiện đang gia tăng không chỉ ở TPHCM mà ở các tỉnh, thành khác, đặc biệt các tỉnh miền Nam. Các quốc gia khác cũng đang cảnh báo bệnh sốt xuất huyết. Từ đây đến cuối năm 2022, có thể xảy ra dịch lớn về sốt xuất huyết nếu không có giải pháp; đặc biệt sau hai năm bị đại dịch Covid-19, nhiều người không quan tâm đến dịch sốt xuất huyết.
Phó giám đốc HCDC khuyến cáo, hiện TPHCM đã bước vào mùa mưa – mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh này, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở cần chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, người dân nên dành 10-15 phút/tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống (từ trong nhà đến xung quanh nhà); không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất một lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối); đậy kín lu, hồ, thùng chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Ngoài ra, đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng. Trong sinh hoạt, người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay và ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Minh Thảo
Theo KTSG Online