(SGTT) - Được xem là bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ nhất của Việt Nam, hát bội luôn có cho mình những khán giả trung thành bởi tính biểu diễn, trang phục đặc sắc và kỳ công.
- TPHCM: nhiều sân khấu kịch hoạt động trở lại với đa dạng các vở diễn
- Sân khấu khát tài năng trẻ
- Câu chuyện du lịch: Tôi đi coi hát bội
Sau một thời gian dài vắng bóng vì dịch bệnh, mới đây, Bảo tàng Lịch sử TPHCM và Nhà hát Nghệ thuật Hát bội đã kết hợp tổ chức Chương trình Biểu diễn giới thiệu nghệ thuật Hát Bội để giới thiệu bộ môn nghệ thuật này đến với đông đảo công chúng. Theo đó, buổi biểu diễn được tổ chức tại Khu vực Đền Hùng (bên trong khuôn viên Thảo Cầm Viên) vào ngày 21-11.
Ghi nhận từ phóng viên, buổi biểu diễn đã đón những lượt khách từ sớm đến địa điểm để chiêm ngưỡng những bộ trang phục hát bội cũng như tìm cho mình một vị trí thích hợp bởi sân khấu biểu diễn ở ngoài trời. Một tín hiệu đáng mừng là có không ít bạn trẻ đến với buổi biểu diễn.
Để hát bội tiếp cận gần hơn với công chúng, những vở diễn được thực hiện trong chương trình là những tuồng vui nhộn, hài hước như Ông già cõng vợ đi xem hội. Ngoài ra, những tuồng hát bội chủ yếu lấy gốc dựa trên những sự kiện lịch sử, như vở Cái chết của Đỗ Thanh Nhân. Đỗ Thanh Nhân là một vị tướng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Chúa Ánh vì cho rằng ông lấn lướt quyền, sau này sẽ có ý định cướp ngôi nên đã xử chết. Vở tuồng đã diễn lại hoạt cảnh khi Đỗ Thanh Nhân vào yết kiến chúa, nói ra những lời nói ngạo mạn mà bị xử tử. Hướng tiếp cận này cho phép khán giả có cái nhìn sinh động hơn về một sự kiện lịch sử của nước nhà.
Đây cũng là cơ hội để các khán giả trẻ hiểu biết nhiều hơn về nghệ thuật hát bội - một bộ môn nghệ thuật cung đình chỉ phục vụ trong cung vua ngày trước. NSƯT Hữu Danh, người giới thiệu về lịch sử hát bội cũng như kỹ thuật hóa trang trong hát bội - “ký hiệu quyển”. Theo đó, ở mức thông tin cơ bản, khán giả có thể hiểu trọn vẹn vở kịch, phân biệt được “mặt đỏ, mặt trắng” của diễn viên trên sân khấu. Cụ thể, khi diễn viên vẽ khuôn mặt đỏ, ấy là nhân vật trung thần, mặt trắng ngược lại, tức kẻ nịnh bợ.
Anh Đỗ Hoàng Tuấn, một nghệ sĩ hát bội đã có 11 năm trong nghề chia sẻ “Trong thời gian dịch bệnh không thể biểu diễn trên sân khấu, chúng tôi ai cũng buồn. Kể cả khi đã qua giai đoạn căng thẳng của đại dịch, việc luyện tập cho các vở diễn cũng rất khó khăn. Chúng tôi phải đeo khẩu trang khi luyện tập, khó thở, không thể nhìn thấy nét mặt của nhau để phối hợp. Tuy vậy, được trở lại biểu diễn đối với tôi đã là một niềm hạnh phúc”.
Được biết, hiện có 6 bạn trẻ đăng ký tham gia vào Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM. “Điều này là rất đáng mừng khi có những người trẻ hứng thú với bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, đây không phải là một bộ môn dễ dàng bởi 1,2 năm đầu theo học các bạn trẻ sẽ không thể được gọi là nghệ sĩ hát bội thực thụ”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Chương trình Biểu diễn giới thiệu nghệ thuật Hát Bội là sự kiện thường được tổ chức vào cuối tuần tại Lăng Lê Văn Duyệt (thứ Bảy) và Khu vực Đền Hùng (Chủ nhật) để phục vụ công chúng cũng như giới thiệu rộng rãi bộ môn hát bội cổ truyền. Chương trình dự kiến kéo dài từ nay cho đến Tết Âm lịch 2022.
Diễm Hạnh