(SGTT) - Nhân ngày 20-11, nhận được nhiều lời chúc từ học trò và bạn bè, tôi càng nhớ các thầy cô của mình. Thầy Phạm Ngọc Hà là người ghi dấu ấn nhiều nhất với cuộc đời tôi. Bài thơ này tôi viết vào dịp 20-11-1999, sau khi nhận được thư thầy. Xin chép lại, kính tặng hương hồn thầy và nói thay các bạn học lớp đệ ngũ Trung học Chính Tâm, Phan Thiết, niên khóa 1969 – 1970.
- Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam cùng những quán ăn có món Việt “chuẩn vị”
- Nghề giáo viên mầm non đang thiếu người giỏi
Nhớ hồi còn bé, ở quê nghèo nhưng chẳng ai thấy khổ, vì nhà nào cũng khó. Trẻ quê, đứa nào cũng quắt queo, học đệ lục mà nặng chỉ hai mấy ký. Xe đạp hạ yên hết cỡ, nhón hết chân vẫn cách bàn đạp nửa tấc. Vùng đất “Gió như Phan”, trường cách nhà gần chục cây số, đường vắng, gió ngược. Đạp xe vất vả vẫn sướng hơn dang nắng làm lụng ngoài đồng.
Lên tỉnh học, mới biết mình khổ vì nhiều đứa giàu hơn. Trẻ phố chỉ ăn rồi học, chơi trong khi trẻ quê, ngoài giờ học là ra đồng. Thực sự vất vả nhất là mùa gặt, khi mà cả ngày ngoài đồng, tối về phụ bố kéo khối đá hình trụ tròn nặng cả tạ để trục lúa. Xong việc, có khi quá nửa đêm, mệt rã rời. Lên đệ ngũ (lớp 8 hiện nay), tôi may mắn được học Văn với thầy Phạm Ngọc Hà, dạy Văn rất hay.
Thầy thường cho bài về nhà để học sinh tự bình giảng. Bài nào hay được chọn làm bài học, đọc cho cả lớp nghe và chép vào tập. Tôi được học và thuộc lòng những bài thơ dài như Nhà tôi (Yên Thao), Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)… cho đến bây giờ. Giờ học thầy, lúc nào cũng mới lạ hấp dẫn. Có những bài văn cực hay, thầy sưu tầm, chép ra từ nhưng tờ báo cũ như bài Tâm sự (Linh Lan) cho lớp học. Văn xuôi mà âm điệu hơn thơ.
Có lần, tôi và vài đứa khác, được thầy mời về nhà. Chắc thầy thương mấy đứa học trò quê nghèo khó, với lũ chúng tôi còn hơn cả phần thưởng lớn. Nhà thầy nhỏ, ấm cúng ở con đường nhỏ, của tỉnh nhỏ. Lần đầu tiên, tôi được ăn bữa cơm với miếng thịt to bằng bàn tay mình. Bữa cơm ngon nhất suốt đời, hơn cả đại yến hoàng cung du lịch mà tôi từng thưởng thức. Mấy chục năm sau, mới biết đó là món thịt heo chiên nước mắm.
Sau 1975, thầy phải nghỉ dạy. Thầy nói đùa là “mất dạy, vô lương”. Năm 1998, sau bao năm dò hỏi, mới tìm được nhà thầy ở khu kinh tế mới và tặng chút quà mọn. Thầy bảo: "30 năm rồi mới được ăn lại sầu riêng. Tôi vẫn dõi theo hoạt động của em trên radio, kể cả đài nước ngoài”. Gặp lại nhau, thầy – trò mừng khôn xiết, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm xưa. Từ đó, mỗi năm vài lần, kết hợp đi tour tôi lại tranh thủ ghé thăm thầy.
Cuối năm 1999, thầy gửi thư thầy cho tôi qua đường bưu điện. Trong thư có đoạn viết: “Hồi xưa, em ít nói, hiền như con gái, hơn cả con gái. Bây giờ thì khác hẳn”. Thầy vui vì biết tôi làm giám đốc vẫn hai lúa, bình dị; lại còn đi dạy, làm hương dẫn viên, viết báo. Thầy dặn: “Có bình minh rồi sẽ có hoàng hôn. Mình phải sống để hoàng hôn cũng an nhiên đón nhận”. Thấy mất đã hơn chục năm, nhưng những lời thầy dặn, tôi luôn ghi lòng tạc dạ.
Nửa thế kỷ sau, tôi nghiệm ra, năng khiếu nhiều khi bắt nguồn từ thầy dạy. Thầy dạy môn nào hay thì học trò hứng khởi, thích học môn đó. Tôi thích môn Văn và bây giờ viết lách được, phần lớn là nhờ thầy, được thầy truyền lửa.
Năm 1974, tôi vào Sài Gòn học đại học để khỏi đi lính. Sài Gòn đã hào nghĩa đón nhận tôi như đã từng cưu mang biết bao thế hệ chọn mảnh đất này để mưu sinh, nuôi khát vọng đổi đời. Sài Gòn nhiều cám dỗ, cạm bẫy nhưng cũng có vô vàn điều quí giá, bổ ích; không nơi nào có được; nếu có nghị lực và biết chắt lọc.
Tôi rẽ ngang làm du lịch vì nghề chọn mình. Từ trại hè Thanh Đa, thấy nhu cầu vui chơi du lịch của thiếu nhi và phu huynh quá lớn, tôi lập dự án thành lập Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt, khởi nghiệp từ mùa Nhật Thực 1995. Làm chơi nhưng hiệu quả thật.
Thời đó, du lịch nội địa bị chê, không ai làm. Không được học gì về du lịch, cứ làm đại bằng cả nhiệt thành như một thứ tôn giáo nghề nghiệp nhưng hiệu quả bất ngờ. Du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc, nhiều công ty ra đời, các trường đại học đồng khởi mở khoa du lịch.
Tôi được mời thỉnh giảng kiểu đặc cách vì chỉ có bằng đại học tại chức. Các thầy cô thừa bằng cấp nhưng trái ngành hoặc không có thực tế. Có tuần tôi phải dạy 10 buổi, hơn cả giáo viên cơ hữu. Từng bị nhiều thầy mắng oan, tôi không muốn đi vào vết xe cũ. Hồi nhỏ, tôi toàn được học thầy, lên đại học mới được học với cô.
Đi dạy, tôi luôn tìm hiểu kỹ người học. Từ lý do chọn nghề, chọn ngành, chọn trường cho đến tâm tư, nguyện vọng, khó khăn. Việc gì cũng có nguyên do, từ việc vắng mặt, bỏ học hay chưa làm bài, đi trễ… Đi dạy tỉnh, tôi thường chọn những sinh viên khó khăn nhất, đến thăm nhà, ăn cơm cùng gia đình và động viên các em.
Kết thúc các môn học ở thành phố, tôi thường rủ sinh viên cùng đi ăn chè, ăn cơm bụi. Có lúc mời các em về nhà dùng cơm. Với tôi, đi dạy cũng là tự học, phải chuẩn bị bài và học được từ sinh viên nhiều thứ. Đi dạy còn là cách chủ động tìm người giỏi, mời về công ty, không đợi các em ra trường.
Những năm gần đây, tôi đi dạy ít dần, được hợp thức hóa bằng danh xưng “Giảng viên Doanh nhân”, vẫn được mời giảng, nhưng sự học ngày càng xuống. Học phí ngày càng tăng, kể cả trường mang danh công lập. Đạo đức, trật tự xã hội ngày càng xuống cấp. Giáo dục không còn như vài chục năm trước; đi học không thoải mái nên đi dạy bớt hứng thú.
Nguyễn Văn Mỹ