(SGTT) - Mới đây, Công an TPHCM đã đưa ra cảnh báo về tội phạm lừa đảo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong dịp cuối năm.
- Mùa dịch cẩn trọng với hình thức lừa đảo kiếm tiền online
- Facebook khởi kiện một nhóm người Việt với cáo buộc lừa đảo quảng cáo
- Cảnh báo giả mạo lừa đảo gói cứu trợ Covid-19
Theo tuoitre.vn, cụ thể có ba hành vi khá phổ biến mà các đối tượng này thường xuyên áp dụng là thủ đoạn giả mạo SMS Brandname, thủ đoạn "chuyển nhầm" tiền và thủ đoạn giả mạo ngân hàng cho vay.
Giả mạo SMS Brandname
Với thủ đoạn này, các đối tượng đã sử dụng những thiết bị viễn thông công nghệ cao để giả mạo tin nhắn (SMS) của các tổ chức ngân hàng, tài chính rồi gửi đến thuê bao di động. Đáng lưu ý, tin nhắn sẽ nằm chung trong thư mục với các tin nhắn của ngân hàng nên nhiều người không cảnh giác cứ nghĩ là tin nhắn thật từ ngân hàng.
Ngoài ra, trong nội dung tin nhắn giả mạo, ngoài gây hoang mang cho khách hàng có rủi ro bị mất tiền thì các đối tượng còn gửi kèm đường dẫn trang web có giao diện giống ngân hàng thật để người dùng thao tác làm theo.
Lúc này, nếu người dùng đăng nhập thông tin cá nhân liên quan đến tài khoản của ngân hàng mình thì không bao lâu sau, tiền trong tài khoản (nếu có) sẽ bị rút đi mà không ngờ tới.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần nhớ một số lưu ý sau: tên miền các trang web thật có đuôi (.vn) hay (.com.vn), nên những tên miền còn lại khả năng giả mạo cao. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh rủi ro lộ thông tin, đối tượng xấu có thêm cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo. Với các giao dịch tài chính, thông tin liên quan đến tiền bạc từ tin nhắn nhận được cần gọi đến số hotline của các tổ chức tài chính để xác mình, làm rõ.
"Chuyển nhầm" tiền
Ở tình huống này, khi nạn nhân bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng hoặc bị các đối tượng xấu mua lại thông tin từ "bên thứ 3" thu thập được thì các đối tượng lừa đảo sẽ cố tình chuyển một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng nạn nhân và thực hiện theo kịch bản sau:
- Các đối tượng mạo danh gọi điện hoặc gửi tin nhắn có hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo hoặc có người chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng truy cập đường link trang web mạo danh ngân hàng trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… Nếu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân liên quan ngân hàng thì các đối tượng này sẽ chiếm đoạt tiền ngay sau đó.
- Song song với hành vi trên, các đối tượng có thể gọi điện tự xưng là người chuyển nhẩm tiền vào tài khoản nạn nhân, xin kết bạn qua Zalo, Facebook và gửi đường link mạo danh ngân hàng để dẫn dụ nạn nhân với lý do chuyển tiền nhanh.
Chính vì vậy, đối với thủ đoạn lừa đảo trên, người dân không nên sử dụng số tiền "chuyển nhầm" mà cần gọi điện theo số hotline ngân hàng nơi mình mở tài khoản để trao đổi sự việc. Ngoài ra, nên yêu cầu nhân viên phong tỏa giao dịch với tiền trên hoặc đến trực tiếp ngân hàng thực hiện yêu cầu này.
Đặc biệt, người dân không nên chuyển tiền cho người lạ tự xưng người chuyển tiền nhầm mà không có bên thứ 3 làm chứng đại diện ngân hàng hoặc cơ quan công an.
Mạo danh ngân hàng cho vay
Đối với thủ đoạn này, các đối tượng sẽ lập các Fanpage Facebook, trang web, Zalo có hình ảnh liên quan ngân hàng. Sau đó, họ liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi với lãi suất hấp dẫn.
Sau đó, họ sẽ yêu cầu người dân chuyển khoản một khoản phí để làm thủ tục. Đáng nói, khi người dân làm theo thì y như rằng, kênh liên lạc đó sẽ bị chặn lại, người dân sẽ mất khoản tiền đã chuyển. Thế nên, theo Công an TPHCM, người dân không nên làm việc với những ai tự xưng là nhân viên ngân hàng thông qua các trang mạng xã hội.
Phúc An tổng hợp