Trong vài năm qua, cứ đến giữa hè là phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm mua sách giáo khoa cho con mình. Từ chỗ chỉ có một bộ, đến khi chuyển sang có ba bộ sách khác nhau, việc tổ chức cung ứng vẫn không có nhiều thay đổi.
- TPHCM: Đủ chỗ học cho học sinh trong năm 2023-2024
- Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải về việc thiếu sách giáo khoa
Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu áp dụng từ năm học 2020-2021, đến năm học 2023-2024 này sách giáo khoa (SGK) chương trình mới được triển khai đến các khối lớp 4, 8, và 11. Chương trình giáo dục phổ thông mới sử dụng ba bộ SGK khác nhau là Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
Hàng năm, các sở giáo dục và đào tạo sẽ chọn ra danh mục SGK được sử dụng ở địa phương mình và các trường được tự chọn SGK trong danh mục này. Vì vậy, mỗi cấp lớp có thể dùng SGK thuộc các bộ khác nhau.
Nhiều trường chỉ đưa ra danh mục SGK được chọn và yêu cầu phụ huynh tự mua. Trước đây, khi chỉ có một bộ SGK thì phụ huynh chỉ cần mua đủ một bộ là xong. Còn với cách chọn SGK hiện nay, phụ huynh phải đi săn lùng nhiều nhà sách mà vẫn không tìm đủ sách con mình cần. Hành trình vất vả để tìm mua từng quyển sách này được báo chí miêu tả là “đánh vật”, “nhặt nhạnh” và thậm chí là “đi mua sách hồi hộp như mua vé số”.
Với SGK theo chương trình cũ thì lại thiếu do in không đủ số lượng. Năm học 2023-2024 chỉ còn các lớp 5, 9 và 12 học chương trình cũ. Sau đó SGK cũ sẽ không bán được nữa nên các đại lý không nhập nhiều vì sợ “ôm hàng” và nhà xuất bản cũng in với số lượng vừa phải để tránh tồn kho đối với các tựa SGK “cuối dòng đời”.
Cũng theo thông tin trên báo chí, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cho biết đến giữa tháng 7 này mới có 13/63 tỉnh thành đăng ký số lượng SGK cho năm học tới, điều này dẫn đến khó khăn cho NXB này trong việc lên kế hoạch sản xuất.
Mấu chốt vấn đề nói trên có lẽ nằm ở cách cung ứng. Một số trường học ở TPHCM mà người viết bài này có tiếp cận với phụ huynh giải quyết vấn đề rất đơn giản. Đối với SGK chương trình mới, nhà trường sẽ lập danh mục sách và thông báo cho phụ huynh số tiền cần đóng.
Thư viện nhà trường sẽ lo hết mọi việc liên quan đến đặt mua sách, đến gần đầu năm học thì học sinh cầm biên nhận vào thư viện nhận sách mang về. Cách làm này giúp phụ huynh hoàn toàn nhẹ gánh, không phải vất vả đi “nhặt nhạnh” sách.
Nếu phát huy mô hình này, có thể xây dựng hẳn một cổng trực tuyến cho các trường đặt SGK theo nhu cầu của trường. Khi đó, nhu cầu này sẽ được tổng hợp sớm để nhà xuất bản lên kế hoạch in ấn dần dần, không bị động. Mô hình này chỉ thay đổi ở khâu đặt hàng, còn khâu phân phối trực tiếp SGK đến các trường thì vẫn giữ như cũ nên sẽ không gây xáo trộn hệ thống phân phối hay ảnh hưởng quyền lợi các đại lý.
Riêng đối với SGK “cuối dòng đời”, nhà xuất bản nên mở rộng các đầu mối in ở nhiều khu vực trên cả nước. Với công nghệ in hiện nay, việc in số lượng vài ngàn quyển sách rất dễ và nhanh nếu đã có sẵn file in. Nếu NXB ký hợp đồng và chuyển giao file cho nhà in ở nhiều khu vực rải đều cả nước, khi vùng nào thiếu SGK thì đặt hàng in bổ sung vài ngàn cuốn, chỉ vài ngày là có thành phẩm.
Có thể thấy, nếu thay đổi quy trình cung ứng và in ấn SGK theo mô hình linh hoạt hơn, thay vì bám theo quy trình cũ khi chỉ có một bộ SGK, việc cung cấp sẽ bớt rối rắm như hiện nay.
Đối với các loại SGK “cuối dòng đời”, NXB Giáo dục Việt Nam cũng nên tính toán in ấn cho đủ số lượng. Năm 2021, đơn vị này có lợi nhuận sau thuế hơn 287 tỉ đồng và 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB này nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỉ đồng.
“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là quan điểm thường được Chính phủ chia sẻ trong các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp. NXB Giáo dục Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù, không bị cạnh tranh nhiều, lãi lớn thì càng phải chia sẻ trách nhiệm với học sinh. Không thể cứ nêu ra những lý do khó khăn, cản trở rồi để tái diễn tình trạng cứ đầu năm học là phụ huynh phải nháo nhào vì không mua đủ SGK trong nhiều năm qua.
Mục Nhĩ
Theo Kinh tế Sài Gòn Online