Hơn nửa tỉ người dân trên toàn cầu bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực – tức là mức thu nhập chưa đến 2 đô la Mỹ/ngày – khi họ phải tự chi trả cho các chi phí y tế trong đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 12-12.
- Từ ngày 13-12, trung tâm thương mại ở Cần Thơ chỉ được phục vụ không quá 10 người
- Săn lùng căn hộ nghỉ dưỡng “hàng hiếm” sau dịch
Theo báo cáo của WHO/WB, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn và quá tải các dịch vụ y tế ở nhiều nước trên toàn cầu. Một trong những hậu quả của tình trạng này là tỷ lệ tiêm chủng ngừa các căn bệnh nguy hiểm trên toàn cầu giảm lần đầu tiên sau mười năm, dẫn đến số ca tử vong do bệnh lao và sốt rét tăng lên.
Đại dịch cũng gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ những năm thập niên 1930, khiến người dân gặp khó khăn hơn trong việc chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ phải ngay lập tức khôi phục các dịch vụ y tế và đẩy nhanh các nỗ lực để đảm bảo mọi công dân của họ có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không phải lo lắng chi phí tài chính. Ông cũng hối thúc các chính phủ tập trung nguồn lực cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và tiếp tục duy trì mục tiêu hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Báo cáo của WHO/WB cảnh báo khó khăn tài chính của người dân có thể trở nên gay gắt hơn khi nghèo đói gia tăng, thu nhập giảm và các chính phủ phải đối mặt với những hạn chế về tài khóa.
Juan Pablo Uribe, Giám đốc toàn cầu về y tế, dinh dưỡng và dân số của WB, cho biết: “Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, gần 1 tỉ người dân trên thế giới đã phải chi tiêu hơn 10% ngân sách hộ gia đình của họ cho chăm sóc y tế. Điều này không thể chấp nhận được, đặc biệt là vì nó khiến những người nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong một không gian tài khóa hạn chế, các chính phủ sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để bảo vệ và tăng ngân sách y tế”.
Theo WHO, tính đến năm 2019, 68% dân số trên thế giới được bảo hiểm chi trả các dịch vụ y tế thiết yếu. Tuy nhiên, WHO lưu ý có đến 90% trong những các hộ gia đình trên thế giới tự chi trả tiền túi cho các dịch vụ y tế đang sống ở mức nghèo khổ hoặc dưới mức này.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 3, đại dịch Covid-19 đã đẩy 32 triệu người Ấn Độ ra khỏi tầng lớp trung lưu, được định nghĩa là những người kiếm được từ 10-20 đô la một ngày.
Đại dịch Covid-19 đã khiến số người nghèo của Ấn Độ, những người có thu nhập từ 2 đô la trở xuống mỗi ngày, tăng thêm 75 triệu người.
Trong khi đó, một báo cáo mới công bố hôm 9-12 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) ước tính do tác động của đại dịch Covid-19, có thêm 100 triệu trẻ em trên thế giới đang sống trong tình trạng nghèo đa chiều (multidimensional poverty), tức thiếu thốn nhiều mặt như sức khỏe, tài chính, giáo dục, nước sạch…
Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, cho biết tác động của đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gia tăng tình trạng nghèo đói, khoét sâu thêm bất bình đẳng trong xã hội và đe dọa các quyền lợi của trẻ em.
“Trong khi số trẻ em đói ăn, bỏ học, bị ngược đãi, sống trong cảnh nghèo đói hoặc bị ép buộc kết hôn ngày càng tăng, thì số trẻ em được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, tiêm vaccine, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đang giảm dần”, bà nói.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, WB đã triển khai hơn 157 tỉ đô la để giảm nhẹ các tác động xã hội, kinh tế, y tế của đại dịch. Đây là nỗ lực ứng phó khủng hoảng nhanh nhất và lớn nhất trong lịch sử của WB, giúp hơn 100 nước củng cố tình trạng sẵn sàng chống đại dịch, bảo vệ người nghèo và việc làm cũng như khởi động đà phục kinh tế thân thiện với khí hậu. WB cũng hỗ trợ hơn 60 nước có thu nhập thấp và trung bình mua và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19.
Chánh Tài, KTSG Online
Theo Reuters, Aljazeera