Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Cơn lốc trồng sầu riêng sẽ ra sao khi 95% diện tích chưa có ‘giấy thông hành’ vào Trung Quốc?

Thị trường mua bán sầu riêng Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động nhất trong nhiều năm qua, sau khi Trung Quốc “mở cửa” chính ngạch. Thế nhưng, có đến 95% diện tích hiện tại vẫn chưa có “giấy thông hành” vào thị trường này. Vậy, điều gì sẽ đến khi cơn sốt tự phát mở các vùng trồng mới đang diễn ra tại hàng loạt địa phương?

Toàn bộ khu vực này của xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang được nông dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Ảnh: Trung Chánh

Ngày 17-9 năm ngoái, khoảng 100 tấn sầu riêng chính ngạch đầu tiền của Việt Nam từ tỉnh Đắk Lắk đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là dấu mốc quan trọng bởi sau sự kiện này xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã có sự “bùng nổ”.

Theo đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng đầu năm ngoái- tức trước khi đi chính ngạch- tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 3,9 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng, luỹ kế đến cuối năm 2022 đã đạt đến con số trên 167 triệu đô la Mỹ, tức tăng khoảng 162,9 triệu đô la Mỹ so với con số 8 tháng trước đó.

Trước “sức hút” của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp và thương lái đẩy mạnh “gom hàng”, trong khi thời điểm lúc bấy giờ các vườn trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào vụ nghịch, nguồn cung hạn chế. Điều này, khiến giá sầu riêng “nhảy múa” từng ngày, từ 50.000-60.000/kg lên 100.000-120.000 đồng/kg, rồi 150.000-160.000 đồng/kg, thậm chí có lúc “vọt” lên mức 190.000 đồng/kg.

Sầu riêng trúng giá đem lợi nhuận tiền hàng tỉ đồng trên mỗi héc ta sản xuất cho người nông dân- vốn là con số nông dân sản xuất lúa có “nằm mơ cũng khó thấy”, cho nên, cơn sốt lao vào cây sầu riêng đã diễn ra…

Giá bán “đảo chiều” rớt một nửa, vẫn bỏ lúa chọn sầu riêng!

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Thanh Nhã, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang- vùng chuyên canh sầu riêng lâu đời của Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung xác nhận, hiện tại giá sầu riêng đã rớt một nửa, tức từ 150.000-160.000 đồng/kg xuống còn 75.000-80.000 đồng/kg do đang vào vụ thuận, nguồn cung dồi dào.

Trao đổi với KTSG Online, ông Vương Đình Quỳnh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát- đơn vị thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây tươi và đồng thời cũng tham gia xuất khẩu xác nhận, giá sâu riêng từ mức 170.000-180.000 đồng/kg đã rớt xuống chỉ còn 90.000-95.000 đồng/kg (giá tại kho).

Ông Hiếu cho rằng, thị trường sâu riêng không có tính ổn định về mặt giá cả là do phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều tiết của thị trường Trung Quốc, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch. “Đối với tiểu ngạch, giá được chốt giá tại cửa khẩu, tức khi hàng đến cửa khẩu, mở container kiểm tra, nếu hàng chợ Trung Quốc hút hàng thì có giá”, ông giải thích và cho biết, với trường hợp xuất chính ngạch, dù đã “chốt” giá trên hợp đồng, nhưng nếu hàng chợ phía Trung Quốc rớt, thì bằng nhiều thủ thuật khác nhau họ cũng ép giá xuống.

Tuy thị trường biến động, nhưng cơn sốt lao vào cây sầu riêng vẫn đang tiếp diễn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Thanh Nhã, người có 1,5 héc ta diện tích mở rộng về phía Bắc quốc lộ 1 (vườn trồng ở xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang- PV) ước tính, có khoảng 90% diện tích ở khu vực này đã được nông dân chuyển đổi sang cây ăn trái, trong đó, chủ yếu là sầu riêng. “Khi sầu riêng lên cơn sốt, nhiều địa phương như: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… nông dân lên vườn trồng dữ lắm”, ông nói.

Ghi nhận thực tế của KTSG Online, dù giá sầu riêng hiện đã “hạ nhiệt”, nhưng xáng cạp vẫn ngày đêm lên liếp chuyển đất lúa sang cây ăn trái ở nhiều nơi tại khu vực Đồng Tháp Mười.

Ông T, ngụ xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thừa nhận, việc ông bỏ lúa chuyển sang sầu riêng vì lợi nhuận của loại cây trồng này quá hấp dẫn so với sản xuất lúa hiện nay. “Chính quyền, ngành nông nghiệp địa phương hay doanh nghiệp có khuyến cáo, hướng dẫn hay liên kết gì đối với ông hay không?, trả lời câu hỏi này của KTSG Online, ông T cho rằng, việc chuyển đổi này của người nông dân là hoàn toàn tự phát.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, theo ông Thanh Nhã, đó là có không ít diện tích, dù là sầu riêng còn tơ (chỉ mới thu hoạch vụ đầu tiên), nhưng đã xuất hiện tình trạng “xì mủ” dẫn đến chết cây. “Cũng không biết lý do tại sao, nhưng tỷ lệ bệnh xuất hiện tại các vườn mở mới ở phía Bắc quốc lộ 1 cao hơn rất nhiều so với các vườn ở vùng chuyên canh tại xã Ngũ Hiệp”, ông cho biết và dự đoán, có thể do điều kiện đất.

Sầu riêng, mít đang ngày càng chiếm ưu thế ở vùng đất vốn chuyên canh lúa. Ảnh: Trung Chánh

95% diện tích vùng trồng vẫn chưa đủ điều kiện vào Trung Quốc

Ông Hiếu của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát cho rằng, câu chuyện người nông dân tập trung vào một loại cây ăn trái nào đó trong một số năm nhất định rồi lại phá bỏ để trồng cây khác đã không còn là chuyện xa lạ. “Nếu Trung Quốc không mở ra nữa, thì câu chuyện này đối sầu riêng Việt Nam vẫn sẽ tái diễn”, ông cảnh báo.

Vấn đề cơ bản hiện nay, theo ông, đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm sao kiểm soát được, phải có quy hoạch vùng trồng rõ ràng. “Vùng này cho trồng cây này, thì không được trồng xen cái gì khác, như thế mới bắt đầu kiểm soát được trái cây Việt Nam, chứ nếu không sẽ loạn hết”, ông nói.

Một vị lãnh đạo của Hội doanh nghiệp Việt Nam ở Trung Quốc khi trao đổi với KTSG Online cho rằng, trong tổng số 85.000 héc ta trồng sầu riêng hiện có của Việt Nam, chỉ 5% diện tích đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tức 95% diện tích còn lại chưa được cấp phép.

“Không được cấp phép thì bán đi đâu, trong khi bà con lại chuyển lúa, cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng?”, vị này đặt câu hỏi và cảnh báo, có thể tương lai không xa sẽ phải đi giải cứu như đã từng xảy ra.  “Đây là bài toán của Việt Nam và nên được định hướng chuẩn từ Trung ương, tức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến địa phương là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đến bà con nông dân”, vị này gợi ý.

Theo đề xuất của vị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà cụ thể ở đây là Cục bảo vệ thực vật phải “nổ lực” phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng mới, thì mới mong sầu riêng bán được nhiều hơn.

Tuy nhiên, Giám đốc một doanh nghiệp (xin không nêu tên) cho rằng, việc cấp mã số vùng trồng hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề gây cản trở cho xuất khẩu cây ăn trái của Việt Nam cũng như cơ hội của doanh nghiệp.

“Chẳng hạn, trong chương trình hành động (Work Plan) được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ, thì mã số vùng trồng cây ăn trái chỉ cấp một lần duy nhất, nhưng chúng ta lại “đẻ” ra chuyện tái chứng nhận”, ông dẫn chứng và cho rằng, nếu cần thiết, lẽ ra cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ nên thanh tra, kiểm tra xem việc thực hiện có được duy trì, cần khắc phục gì hay không, chứ không phải là tái chứng nhận.

Không dừng lại ở đó, theo vị này, việc phê duyệt cấp mới mã số vùng trồng hiện nay là quá lâu. “Chúng tôi xin cấp mã số vùng trồng cho trái nhãn, nộp từ tháng 7-2022 đến tháng 10-2022 mới được cấp phép”, vị này dẫn chứng.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, muốn không xảy ra tình trạng trồng chặt, chặt trồng thì đầu tiên phải có quy hoạch cụ thể, kể cả đặt mục tiêu sản phẩm như thế nào. “Ngoài ra, phải tạo được lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm bằng chất lượng, làm sao mình đứng vững trên thị trường”, bà Vy gợi ý và cho rằng, muốn vậy doanh nghiệp và nông dân phải tư duy, tức khi trồng trái sầu riêng thì phải xác định đầu ra ở đâu, chất lượng thế nào…

Theo bà, nông dân trồng không có sự định hướng của Nhà nước cũng không hợp tác bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tức sản xuất tự phát là một lỗ hỏng tiềm ẩn rủi ro cho người nông dân rất lớn. “Anh không đặt mục tiêu rõ ràng trong việc đầu tư, doanh nghiệp cũng thế, tức đầu tư mà không xác định rõ thị trường xuất khẩu đi đâu, khách hàng là ai, một năm sản xuất ra bao nhiêu tấn để phục vụ thị trường đó…, thì rất khó bền vững”, bà Vy tái nhấn mạnh.

TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam gợi ý, muốn bền vững, thì phải đi theo con đường bền vững, tức sản phẩm phải chất lượng, có thị trường đầu ra rõ ràng. “Khi có chất lượng, thì không tiêu thụ được ở chỗ này có thể dịch chuyển sang chỗ khác để giảm bớt rủi ro”, ông gợi ý.

Trung Chánh
Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mùa nước tràn đồng

0
(SGTT) - Dường như, đối với cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi là một mùa đặc biệt, nó không...

Xuất khẩu sầu riêng kỳ vọng bội thu năm 2024

0
(SGTT) - Trong tháng 8-2024, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 2,03 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 68% so với cùng kỳ năm...

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Chuyện xây cao tốc ở ĐBSCL: có nhất định phải lấy...

0
(SGTT) - Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn – vấn đề xây dựng hệ thống đường...

Sầu riêng Việt Nam ‘bào mòn’ thị phần của Thái Lan...

0
(SGTT) - Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng vọt năm 2023, nhưng kéo theo sự suy giảm thị phần sầu riêng đáng...

Kết nối