Thứ bảy, Tháng hai 15, 2025

Cơ hội việc làm cho người trở về đúng hạn

Thùy Dung -

Đã có nhiều chính sách mới từ phía Hàn Quốc lẫn Việt Nam nhằm khuyến khích lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở về Việt Nam. Họ có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc hoặc được giới thiệu một số công việc tại công ty Hàn Quốc ở Việt Nam.

Nỗi lo lao động bất hợp pháp

Bùi Văn Khánh (25 tuổi) quê ở Bình Giang, Hải Dương đã sang Hàn Quốc gần bốn năm theo chương trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Mỗi tháng thu nhập của Khánh từ 2.000-2.500 đô la Mỹ, sau khi trừ đi chi tiêu hàng tháng, Khánh gửi về cho ba mẹ 1.500 đô la. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với vùng nông thôn nghèo ở Bình Giang.

Sau khi hết hạn hợp đồng, Khánh bày tỏ: “Tôi còn băn khoăn giữa việc ở lại Hàn Quốc làm lao động bất hợp pháp hay sẽ về lại quê nhà tìm việc. Đây là tâm lý của nhiều lao động Việt Nam sang Hàn Quốc”, Khánh nói và cho biết thêm, đến thời điểm này vẫn đang cân nhắc về lợi hại khi ở lại xứ sở kim chi.

Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động trong một phiên giao dịch việc làm dành riêng cho lao động Hàn Quốc trở về đúng hạn. Ảnh: Thùy Dung

Theo thông báo từ phía Hàn Quốc, hiện họ đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phái cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn nhưng tỷ lệ bỏ trốn trung bình chỉ trong khoảng 8-9%. Nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15-16%. Riêng Việt Nam tỷ lệ bỏ trốn lên tới 32% thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nhiều địa phương có số lao động bỏ trốn chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc như Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng…

Trong khi người lao động có suy tính riêng của họ thì Bộ LĐTB&XH đã có những biện pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống mức theo biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Biên bản này cam kết trong hai năm sẽ giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn (từ tháng 5-2016 đến tháng 5-2018), tức là còn hơn bốn tháng.

Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐTB&XH, cho biết: “Chúng ta phải đưa được khoảng 4.500 người lao động Việt Nam trở về thì cánh cửa tiếp nhận lao động vào Hàn Quốc mới có thể tiếp tục mở ra”. Do đó, Bộ LĐTB&XH sẽ phải có những nỗ lực thực thi ráo riết nếu không thì nguy cơ đóng cửa thị trường này là rất lớn. Và lúc đó hàng vạn lao động trong nước đã được học nghề, học tiếng Hàn sẽ không được sang Hàn Quốc lao động vì những người đi trước làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Trong đó, bước đầu tiên là phía các cơ quan chức năng, như Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nắm bắt thông tin lao động bỏ trốn để kịp thời xử lý. Ngoài ra, phía Hàn Quốc sẽ phải tiếp tục có những cuộc rà soát những lao động bất hợp pháp dịp này và xử lý theo pháp luật những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của các tỉnh, thành qua các tổ chức Đảng, Mặt trận, Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên…

Nhiều cơ hội trong nước

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, chính sách của Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, họ đã sửa luật, để những người bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc khi tự nguyện trở về có thể được quay trở lại đây làm việc. Bên cạnh đó, họ cũng có những biện pháp mạnh tay hơn đối với giới chủ Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp và cả môi giới lao động bất hợp pháp. Do đó, lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc trong thời gian tới không dễ có điều kiện ở lại tìm việc làm mới.

Thực tế vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam những năm gần đây rất lớn, nhu cầu tuyển lao động biết tiếng Hàn cũng nhiều. Nguồn lao động từ Hàn Quốc trở về đúng hạn được đánh giá là những lao động cần cù, thích nghi nhanh với môi trường làm việc. Đồng thời họ có tác phong chuyên nghiệp và thành thạo tiếng Hàn. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay hội chợ việc làm dành cho lao động làm việc tại Hàn Quốc liên tục được tổ chức với sự tham gia của trên dưới 50 doanh nghiệp, đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc), thu hút trên 300 người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. 

Chỉ tiêu tuyển dụng có lúc lên đến gần 700 việc làm với các ngành nghề: quản lý, kế hoạch sản xuất, phiên-biên dịch, nhân viên kỹ thuật, công nhân sản xuất, điện - điện tử… với mức lương trung bình 7-10 triệu đồng/tháng, cũng có vị trí 15-25 triệu đồng/tháng, chưa kể các chính sách đãi ngộ khác.

Theo ông Vũ Quang Thành, phó Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, do nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều tăng số lượng tuyển dụng phiên dịch, thông dịch tiếng Hàn làm việc tại nhà máy, công xưởng. Lao động Việt Nam tham gia ứng tuyển chủ yếu là lao động phổ thông, còn kỹ sư, cử nhân ra trường có trình độ chuyên môn tay nghề, biết tiếng Hàn rất ít. “Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã nhắm tới tuyển lao động trở về từ Hàn Quốc, tuy không có bằng cấp trình độ cao nhưng họ có lợi thế kinh nghiệm làm việc trong nhà máy, giao tiếp thành thạo, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, có thể đáp ứng được sự chuyển giao công nghệ sản xuất...”, ông Thành nói.

Nói về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, ông Song Kill-Yong, Trưởng Văn phòng đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) cho hay, đây là nguồn nhân lực mà 6.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam rất ưa chuộng. Theo ông, với nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thì việc tổ chức hội chợ việc làm sẽ phần nào giúp doanh nghiệp và người lao động gặp nhau. Đây cũng là một trong những giải pháp để động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc.

Bà Vân Hà cho biết, tỷ lệ kết nối thành công trong các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho lao động Hàn Quốc về nước đúng hạn ngày càng lớn. Tuy nhiên, những lao động này chủ yếu là thông dịch viên mà ít vị trí tuyển lao động kỹ thuật đã từng làm việc tại các nhà máy. Do đó, trong các phiên giao dịch việc làm sắp tới cần tuyên truyền, đưa ra thông tin chi tiết hơn về các ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu trình độ của doanh nghiệp và người lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Quy mô 4 dự án BOT giao thông sắp triển khai...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn 2025-2028, TPHCM sẽ triển khai 4 dự án BOT giao thông tại khu vực cửa ngõ với tổng vốn...

Bỏ túi ba công thức chế biến món ăn vặt, ăn...

0
(SGTT) - Bột khoai là thực phẩm quen thuộc đối với người nội trợ, ứng dụng linh hoạt cho các món ăn vặt như...

Xử lý tình trạng đấu nối trái phép vào cao tốc...

0
(SGTT) - UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã hướng dẫn các đơn vị xử lý những trường hợp tự ý...

Về Lai Châu khám phá những cọn nước ở bản Nà...

0
(SGTT) - Những cọn nước ở bản Nà Khương (xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) là điểm check-in độc đáo, thu...

Phim Việt Tết 2025: Doanh thu lớn nhưng nhiều tranh cãi

0
(SGTT) - Mùa phim Tết Nguyên đán 2025 chứng kiến cuộc cạnh tranh sôi động giữa loạt tên tuổi đình đám như Trấn Thành,...

Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 135...

0
(SGTT) - Hơn một tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 135 triệu đô la,...

Kết nối