(SGTTO) - Vài tháng trước khi dịch Covid-19 xảy ra tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), có hai vận động viên Việt Nam đã đặt chân đến đây để tham dự cuộc thi bơi vượt dòng Dương Tử.
Tắm sông là một hoạt động thú vị của tuổi thơ nhiều người. Nhưng đối với những người đam mê bơi lội, bơi trên sông hay trên biển là thử thách đầy khó khăn nhưng hấp dẫn, thôi thúc họ chinh phục.
Bơi sông, bơi biển và những thử thách đối với người mê bơi lội
Là một huấn luyện viên (HLV) bơi, anh Lương Ngọc Duy (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng không ngoại lệ. Anh Ngọc Duy có kinh nghiệm chinh phục nhiều con sông, vùng biển như sông Sài Gòn, biển Phú Quốc...
Anh Ngọc Duy nhận xét, bơi sông hay bơi biển đều có những khó khăn riêng. Bơi sông có dòng chảy một chiều, tùy vào khúc sông mà dòng chảy mạnh, nhẹ khác nhau. Ngoài ra, nước sông thay đổi theo mùa, chẳng hạn như mùa xả lũ, mực nước sông dâng lên đòi hỏi VĐV có chiến thuật bơi hợp lý. Bơi biển lại có nhiều loại dòng chảy khác nhau như dòng chảy gần đảo, gần bờ...
Bơi biển cũng là một phần thử thách khó khăn mà nhiều vận động viên ba môn phối hợp phải trải qua trong các cuộc thi như Ironman 70.3, TRI-Factor... Anh Trịnh Rồng (thành viên nòng cốt của câu lạc bộ ba môn phối hợp Vietnam Triathlon Club (VNTC) cũng từng nhận định, bơi là phần mà nhiều vận động viên khi đến với ba môn phối hợp gặp khó khăn.
Kinh nghiệm rút ra từ giải bơi vượt sông Dương Tử đầy thách thức
Dù đã tham dự nhiều cuộc thi bơi sông, bơi biển, cuộc thi bơi vượt sông Dương Tử tại Vũ Hán (Trung Quốc) năm 2019 là một giải tuy khó khăn nhưng đáng nhớ đối với anh Ngọc Duy.
Tháng Bảy hằng năm, một cuộc thi bơi vượt sông Dương Tử lại được tổ chức tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Đây là một cuộc thi được tổ chức truyền thống hằng năm, quy tụ các tay bơi chuyên nghiệp từ nhiều quốc gia trên thế giới về tham dự.
Đoàn Việt Nam khi đó có anh Ngọc Duy cùng chị Nguyễn Thu Trang, cựu VĐV bơi thuộc đội tuyển bơi quốc gia, nay làm huấn luyện bơi tại Hà Nội. Cả hay cùng tham dự hạng mục 1,8km dành cho VĐV chuyên nghiệp.
Để được ra sông thi đấu, các VĐV phải vượt qua được vòng loại là bơi 400m trong hồ, một thử thách không quá khó khăn đối với anh Ngọc Duy và chị Thu Trang.
Khó khăn chỉ thật sự đến khi đối mặt với dòng nước sông Dương Tử chảy rất mạnh. Chính dòng nước cực mạnh này sẽ đẩy VĐV ra xa khiến họ không thể đến đúng điểm đích. Năm ấy, anh Ngọc Duy rất tiếc khi không thể hoàn thành phần thi.
Phần thi của chị Thu Trang cũng không kém phần khó khăn, vất vả. Sau 10 phút thi đấu, chị bắt đầu bị dòng chảy cực mạnh cuốn trôi đi. Chị đã bơi rất nhanh, khi lên bờ hai tay rụng rời mà vẫn không thể thắng lại dòng nước.
Tham gia chung kết cự li 1,8km có khoảng 50 VĐV nam và 25 VĐV nữ. Kết quả chung cuộc, chỉ có 18 VĐV nam và chỉ 8 VĐV nữ hoàn thành được phần thi. Thế mới thấy tính thử thách của cuộc thi cao như thế nào.
Sau này khi ngẫm nghĩ lại, anh Ngọc Duy và chị Thu Trang đều rút ra kinh nghiệm cho mình rằng, việc chọn sai vị trí xuất phát sẽ khiến VĐV khó hoàn thành đường bơi. Chính vì không được bơi thử và khảo sát trước con sông nên VĐV không lên được chiến thuật bơi hợp lý. Những kinh nghiệm này sẽ rất có ích để truyền lại cho những đoàn VĐV đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi này vào các năm sau.
Hơn cả một cuộc thi
Bên cạnh cuộc thi đầy thử thách, chuyến đi năm 2019 còn để lại ấn tượng trong anh Ngọc Duy và chị Thu Trang về những tình bạn đẹp có được sau cuộc thi.
Họ đã có thêm những người bạn cùng tham dự cuộc thi từ các quốc gia ở khắp nơi trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Ý, Thụy Sĩ...
Chị Thu Trang nhớ mãi những người dân dễ mến, thân thiện nơi đây. Họ đã sẵn lòng giúp đỡ, dẫn chị đi mua vé tàu và chở đi khi bị lạc.
Biết đâu đấy vào một ngày nắng đẹp khác, nơi dòng Dương Tử cuồn cuộn chảy, anh Ngọc Duy và chị Trang lại hòa vào những nhóm VĐV để chinh phục cự ly 1,8km. Sau bao khó khăn đã xảy ra với thành phố và cả thế giới trong dịch bệnh, có lẽ lần này, chỉ cần được hòa mình vào dòng sông đã là một câu chuyện tuyệt vời.
Thiên Nhiên