Hiện nay trên thị trường không ngừng xuất hiện các cửa hàng đồ uống mới, tập trung trên các tuyến đường trà sữa, con phố ăn vặt với hình thức nhượng quyền dễ dàng. Các chuyên gia đánh giá đây đang là phương thức mở chuỗi được nhiều ông chủ quan tâm. Tuy vậy phía sau cơn sốt này, nhà đầu tư cần đi chậm, xem xét kĩ trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay.
- Hiểu đúng về nhượng quyền để kinh doanh thương hiệu franchise
- Cơ chế cho nhượng quyền thương mại quốc tế hiệu quả
Lựa chọn phương thức nhân rộng chuỗi phù hợp
Sau chặng đường dài thương hiệu Việt, ngoại liên tục xuất hiện làm lựa chọn đồ uống ngày càng đa dạng, các chuyên gia bán lẻ, ngành F&B nhận định thị trường trà sữa ở Việt Nam vẫn có nhiều sân chơi cho người bắt kịp xu hướng, đón sóng thị trường.
Theo ông Nguyễn Khắc Khang, Tổng giám đốc Công ty Masterbrand, tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ và tư vấn phát triển kinh doanh nhượng quyền thương mại, đây là ngành hàng đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu của con người. Song việc mở rộng hệ thống trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay ít nhiều bị ảnh hưởng.
Với đại đa số doanh nghiệp là bước đi mạo hiểm, các sản phẩm của ngành này phục vụ đa phần giới trẻ, vì vậy, hệ thống nào “tạo trend” (xu hướng) hoặc “bắt trend” được với xu hướng của phân khúc này sẽ có cơ hội phát triển và mở rộng chuỗi nhanh chóng.
Trong điều kiện phát triển tốt, việc nhân chuỗi hiệu quả tùy thuộc vào tiềm lực của mỗi doanh nghiệp. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam có nhiều khó khăn như hiện nay, khi xác định sẽ nhân chuỗi, ngoài đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, quy trình quản lý, sản xuất hoàn chỉnh, số hóa quản trị thì yếu tố quan trọng quyết định nhân chuỗi là lựa chọn phương thức nhân chuỗi. Có hai phương thức chính mà các doanh nghiệp thường sử dụng là tự mình đầu tư các địa điểm mới, hoặc lựa chọn phương thức nhượng quyền thương mại.
Mỗi phương thức có ưu, nhược điểm khác nhau, tùy thuộc nhiều yếu tố như ngành hàng, tiềm lực tài chính. “Theo tôi trong bối cảnh hiện nay, lựa chọn phương thức nhượng quyền thương mại sẽ giúp doanh nghiệp nhân chuỗi hiệu quả cho những ai có ý định muốn gia nhập sân chơi này”, ông Khắc Khang nhận định.
Nhượng quyền kinh doanh, hay thường được doanh nghiệp gọi là nhượng quyền thương hiệu là một phương thức kinh doanh mở rộng chuỗi phổ biến bởi yếu tố nhanh và sử đụng được nguồn lực đầu tư từ đối tác nhận nhượng quyền. Tuy nhiên, phương thức này cũng bộc lộ một số rủi ro, trong đó yếu tố đồng nhất về chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ thường xảy ra ở các cửa hàng nhượng quyền. Ngoài thực tế, không ít lần giữa nhà đầu tư và bên cho nhượng quyền đã xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp.
Tìm hiểu kỹ lưỡng khi nhượng quyền, linh hoạt khi “xuống tiền”
Theo thống kê mới nhất trong ngành đồ uống, chuỗi thương hiệu Mixue đến từ Trung Quốc vừa cán mốc 1.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam sau 5 năm gia nhập vào thị trường trà sữa, cà phê Việt. Tính đến hiện tại, Mixue có quy mô cửa hàng lớn vượt qua các thương hiệu như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House…
Với các sản phẩm chính là kem và trà sữa trân châu, Mixue tăng độ phủ và lôi kéo khách hàng vì phân khúc giá rẻ. Trong đó, Hà Nội được phủ sóng đầu tiên, tiếp theo đó là các tỉnh phía Bắc và hiện người mua dễ dàng tìm thấy trên các trục đường tập trung đông học sinh, sinh viên ở TPHCM. Ông Khắc Khang cho rằng có hai yếu tố giúp chuỗi đồ uống thành công như hiện nay có thể kể đến định vị sản phẩm phù hợp với khách hàng mục tiêu, giá vừa phải từ 10.000 – 30.000 đồng/sản phẩm, nhưng chất lượng tương xứng, phục vụ tốt trong không gian trẻ trung.
Tiếp đến, chủ Mixue lựa chọn phương thức nhượng quyền để nhân chuỗi. Khi sản phẩm, quy trình quản trị và phương thức cung ứng sản phẩm đã được chuẩn hóa, đây là hình thức nhân bản phù hợp nhất. Khác với các phương thức tự mình huy động vốn, nhân sự để đầu tư chuỗi, phương thức nhượng quyền thương mại giúp cho hệ thống tận dụng được nguồn lực của đối tác nhận nhượng quyền nhanh hơn. Mặt khác các nhà đầu tư địa phương cũng giúp hệ thống hiểu rõ khách hàng khu vực, kịp thời tối ưu các nguồn lực triển khai nhượng quyền.
Ông Nguyễn Khắc Khang cho hay trên thế giới, phương thức kinh doanh nhượng quyền đã được phát triển từ lâu. Qua thời gian, các yếu tố cốt lõi về chất lượng sản phẩm, cách phục vụ đã được khắc phục. Hệ thống đã chuẩn hóa công thức chế biến sản phẩm, đào tạo, huấn luyện nhân sự làm việc tại các cửa hàng nhượng quyền, số hóa quản trị từ mọi khâu để giảm rủi ro không đồng đều chất lượng, dịch vụ cho khách hàng tại các cơ sở khác nhau.
Tuy vậy, phụ thuộc vào sản phẩm dịch vụ cung ứng, yếu tố vùng miền sẽ tác động đến sự thành công của cửa hàng nhượng quyền. Chẳng hạn như khu vực phía Bắc, cụ thể là Hà Nội, cửa hàng trà tranh được ưa chuộng bởi các bạn trẻ, và có thời điểm tạo thành trend mở rộng cửa hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, khi nhượng quyền vào khu vực phía Nam, tại TPHCM thì lại không được thành công, bởi lẽ thói quen văn hóa tiêu dùng tại khu vực này thì khác.
Nói thêm lý do tại sao chi phí nhượng quyền mặt hàng này chỉ từ vài cục triệu đồng kèm thủ tục đơn giản, không ít cửa hàng sau khi mở bán lại “chết yểu” dù cửa hàng gốc thành công, ông Khang lý giải đặc thù sản phẩm theo trend, vì vậy tăng trưởng rất nhanh, nhưng đóng cửa cũng rất nhanh. “Tất nhiên ta không thể xây dựng cửa hàng nhượng quyền với mặt bằng lớn, chi phí lớn và cầu kỳ được, vì vậy thường chi phí nhượng quyền chỉ vài chục triệu đồng. Do đó trong quá trình cố vấn cho các chuỗi cửa hàng, chúng tôi thường xác định rõ với các nhà đầu tư về việc phải rất linh hoạt trong việc gia nhập và rút lui khỏi thị trường”, ông nhấn mạnh.
Có nhiều sản phẩm theo xu hướng chỉ ra đời và phát triển trong thời gian 3-5 tháng, nhà đầu tư không thể xác định ở lại thị trường với sản phẩm này lâu dài được. Chuyên gia lĩnh vực đưa ra lời khuyên chủ kinh doanh phải luôn linh hoạt nắm bắt sự thay đổi, bổ sung vào thực đơn các sản phẩm mới, bên cạnh việc ngừng kinh doanh các loại không còn ưa chuộng rộng rãi hay thiếu nét riêng.
Anh Minh Phan, người sáng lập Siteplus, đơn vị tư vấn và phát triển mặt bằng kinh doanh cho các chuỗi bán lẻ và F&B tại Việt Nam cho hay nhượng quyền thương hiệu là đem bán công thức thành công nhưng không ít đơn vị nhượng quyền tràn lan trong khi chưa có bài toán tài chính rõ ràng hay quy trình đóng gói sản phẩm chuẩn.
Đây là hoạt động diễn ra từ hai phía cả người mua lẫn người nhượng quyền. Cụ thể khi mô hình chưa hiệu quả, chưa có sự bảo chứng đủ lâu nhưng đã đem bán, người mua chưa có kiến thức vận hành, chưa thật sự hiểu về sản phẩm đã xuống tiền dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong nhượng quyền ngành F&B.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên những người có khoản tiền đủ đầu tư cho ngành hàng này, dù chỉ từ 100 – 200 triệu nên tìm hiểu mô hình dựa trên số liệu, bài toán tài chính rõ ràng và cụ thể hóa trường hợp của mình.
Người sang nhượng cũng nên chọn lọc chủ đầu tư để thương hiệu mình được duy trì, không bị ảnh hưởng, tai tiếng về dài lâu. “Ngoài ra, tôi cũng hy vọng ở chúng ta có một hiệp hội, bên thứ ba kiểm chứng, đánh giá mô hình, đưa những tiêu chí để xem đã đủ chuẩn cho nhượng quyền hay chưa.
Hiệp hội cũng giúp kiểm tra dữ liệu, xác minh bài toán tài chính cả hai bên cung cấp nhằm đảm bảo thỏa thuận lâu dài, tránh chuyện người mua nhượng quyền rồi xong, hoặc bên nhượng chỉ chạy theo số lượng, bỏ xa chất lượng”, anh nhấn mạnh.
An Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn Online