Một tuyến cao tốc nối từ Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đến Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
- Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ĐBSCL
- TPHCM: Điều chỉnh giao thông khu vực hầm sông Sài Gòn từ ngày 28-11
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 72 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc nối giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng.
Trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT cho biết, tuyến cao tốc nối giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng được chia làm ba đoạn gồm Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương.
Năm 2019, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án Dầu Giây - Tân Phú (văn bản số 10051), dự án Tân Phú – Bảo Lộc (Quyết định số 1963), dự án Bảo Lộc - Liên Khương (Quyết định số 1962). Việc lập dự án tiền khả thi để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Sau khi nghiên cứu cụ thể hình thức đầu tư và bố trí được nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ triển khai thủ tục đầu tư dự án theo quy định.
Theo kế hoạch ban đầu đoạn Dầu Giây - Tân Phú với chiều dài 60km dự kiến khởi công năm 2019 và đưa vào sử dụng năm 2021. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn và phương án tài chính xây dựng theo hình thức BOT chưa khả thi nên dự án vẫn chưa được khởi công.
Trong một diễn biến liên quan đến việc kết nối đường cao tốc, mới đây tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước.
Theo tính toán của tỉnh Lâm Đồng, đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư khoảng 18.200 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay), trong đó vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỉ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỉ đồng để thực hiện), vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 khoảng 9.700 tỉ đồng.
Đối với phần tham gia của nhà nước, tỉnh Lâm Đồng dự kiến bố trí vốn đối ứng khoảng 3.000 tỉ đồng, còn lại 6.700 tỉ đồng sẽ do Ngân sách Trung ương bố trí.
Tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng bốn phương án đầu tư theo phương thức PPP với thời gian hoàn vốn từ 17 năm 2 tháng đến 29 năm 10 tháng. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ năm 2021 đến năm 2024.
Nếu được Chính phủ giao tỉnh Lâm Đồng thực hiện đoạn Tân Phú – Bảo Lộc cùng với đoạn đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú đang được Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư, hy vọng đến năm 2025 tuyến cao tốc nối từ Đồng Nai đến Bảo Lộc, Lâm Đồng sẽ được thông xe.
Khi có tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Đà Lạt và giảm tải cho quốc lộ 20, tuyến đường duy nhất hiện nay nối từ Đồng Nai lên Đà Lạt.
Lê Anh