Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Chuẩn bị cho những tình huống cấp cứu trong tết

(SGTTO) - Trong tết thường xảy ra nhiều tình huống cần đến bệnh viện để cấp cứu khẩn cấp như tai nạn giao thông, tai nạn do đốt pháo hay chuyển dạ sinh con. Để đối phó với những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, mọi người cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng vào trước tết.

Chỉ cần làm theo những lưu ý sau, bạn có thể yên tâm cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Một ca sinh tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Ảnh N.P

Sinh con trong ngày tết

Theo ThS.BS. Lương Thị Thanh Dung – Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sản phụ có ngày dự sinh trùng vào những ngày Tết Nguyên Đán cần trang bị kiến thức cần thiết để giữ sức khỏe và ổn định tâm lý, giúp quá trình sinh nở thuận lợi, tránh những nguy hiểm không đáng có cho cả mẹ và con.

Để không bị bỡ ngỡ khi đến bệnh viện sinh nở, các sản phụ cần lập kế hoạch chi tiết, đi khám thai định kỳ đúng hẹn và dựa theo những chẩn đoán của bác sĩ để sắp xếp đủ đồ đạc, thời gian, người trực ở nhà, người chăm sóc khi chuyển dạ… để khi cần có thể đến bệnh viện ngay. Đồng thời, sản phụ cũng phải chọn trước nơi sinh để khi chuyển dạ không phải cập rập. Nên tạo một tâm lý thật thoải mái, vui vẻ khi ở nhà đợi đến ngày sinh.

Những đồ thiết yếu khi đi sinh gồm giấy tờ khám thai, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảo hiểm, đồ dùng cho mẹ, đồ dùng cho bé, áo ấm...

Khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh con, xuất hiện cơn gò tử cung, chảy nước ối… sản phụ nên lưu ý để kịp thời đến bệnh viện và chuẩn bị cho cuộc sinh nở được thuận lợi. Bất cứ thời điểm nào, dù là đêm giao thừa hay ngày mùng 1 Tết, các bệnh viện đều có ê kíp bác sĩ trực và các hộ sinh sẵn sàng giúp bạn vượt cạn thành công. Thế nên, thay vì quá lo lắng khiến tinh thần căng thẳng, bạn hãy suy nghĩ tích cực, tạo tâm lý thoải mái và chuẩn bị chu đáo mọi thứ.

Đề phòng tại nạn giao thông trong dịp tết

Để phòng tránh tai nạn giao thông trong dịp tết, bạn nên giữ sức khỏe, tránh vui chơi quá mức, không uống rượu bia khi lái xe, đội nón bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, đi bộ đúng phần đường quy định, chú ý quan sát khi băng qua đường.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Hà, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết khi sơ cứu người bị tai nạn giao thông ta chỉ nên di chuyển nạn nhân khi hiện trường có nguy hiểm (cháy nổ, khí gas, hơi độc, điện giật, chất hóa học…). Di chuyển nạn nhân đến khu vực an toàn bằng cách kéo hai chân và luôn giữ cố định vùng đầu cổ. Không nên vận chuyển nạn nhân bằng xe máy, cõng, bế… vì nguy cơ gây tổn thương nặng hơn. Khi tai nạn xảy ra, bạn phải nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất. Cần mô tả chi tiết số người gặp nạn, mức độ nặng của nạn nhân, vị trí chính xác của hiện trường vụ tai nạn. Sau khi gọi cấp cứu, nên tiếp tục theo dõi và trợ giúp cho đến khi nạn nhân được đội cấp cứu tiếp nhận.

Giữ yên vị trí của người bị nạn, cố gắng giữ yên vùng cột sống cổ. Trong lúc chờ cấp cứu, có thể kiểm tra và sơ cứu nạn nhân bằng cách kiểm tra đường thở, nhịp thở và mạch ở vùng cổ của nạn nhân để có xử trí thích hợp, băng ép vết thương mạch máu, cố định cột sống, cố định xương gãy, băng vết thương bằng gạc hay vải sạch và không cố gắng rút bỏ dị vật cắm trên người nạn nhân.

Đề phòng tai nạn pháo nổ

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tai nạn do pháo nổ là một trong số các tai nạn thường gặp trong dịp Tết Nguyên Đán. Bác sĩ Diễm Hà cho biết tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… nên người đốt sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay...

Đối với chấn thương ở mắt, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi bị trúng pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt, sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch. Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch.

Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay. Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Nếu bị bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phòng ngừa lão thị sớm bằng các bài tập thể dục...

0
(SGTT) - Khi nhắc đến các bệnh lý về mắt do lão hóa, lão thị và đục thủy tinh thể thường xuất hiện nhiều nhất...

Hiểu về thuốc giảm cân trước khi sử dụng

0
(SGTT) - Giảm cân luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và thuốc giảm cân đã trở thành lựa chọn hấp...

10 thực phẩm trong tủ lạnh nên tránh để bảo vệ...

0
(SGTT) - Tủ lạnh thường được coi là nơi lưu trữ thực phẩm nhưng không phải tất cả thực phẩm được bảo quản trong...

Cân nặng lý tưởng không chỉ được đánh giá bằng chỉ...

0
(SGTT) - Cân nặng lý tưởng không chỉ là con số trên thang đo mà nó còn phản ánh sức khỏe tổng thể của...

Sở Y tế TPHCM: người dân cảnh giác với dịch vụ...

0
(SGTT) - Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo có nội dung về thay...

Rủi ro và cách phòng tránh các vấn đề về mắt...

0
(SGTT) - Sử dụng kính áp tròng mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe mắt nếu...

Kết nối