Thứ sáu, Tháng năm 16, 2025

Chữa bệnh bằng nọc độc

CHÁNH TÀI -

Ngày nay, nọc độc của nhiều loại động vật bọ cạp, rắn, nhện... đang hỗ trợ con người trong cuộc chiến chống lại nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo từ bệnh tim mạch cho đến bệnh đái tháo đường, thậm chí bệnh ung thư.

Nọc độc bọ cạp hỗ trợ phẫu thuật khối u

Anh-2Liệu pháp chữa bệnh bằng cách cho ong đốt xuất hiện từ thời cổ đại. Ảnh minh họa: The Nation

Gần đây, Công ty công nghệ sinh học Blaze Bioscience (Mỹ) thử nghiệm một loại thuốc tiêm “sơn khối u” có tên gọi BLZ-100 có nguồn gốc từ nọc độc của bọ cạp nhằm khoanh vùng khối u, giúp việc phẫu thuật cắt bỏ khối u hiệu quả hơn. Loại thuốc này đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một ở trẻ em bị ung thư não vào năm ngoái. Thành phần chính của BLZ-100 là chlorotoxin, một protein có trong nọc độc của bọ cạp. Chlorotoxin có khả năng gây tê liệt cho các côn trùng, vốn là thức ăn chủ yếu của bọ cạp. Tuy nhiên, ở động vật có vú, protein này giúp liên kết các thụ thể chloride trên bề mặt các tế bào ung thư. Khi kết hợp chlorotoxin với một loại màu nhuộm có thể phát sáng, các bác sĩ có thể dễ dàng quan sát và cắt bỏ toàn bộ khối u, giảm nguy cơ khối u bị sót lại và tái phát.

Đó chỉ là một trong nhiều nghiên cứu về tác dụng của nọc độc động vật trong chữa trị bệnh. Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều loại nọc độc có công dụng điều trị bệnh hiệu quả, chẳng hạn nọc độc của hải quỳ có khả năng điều trị rối loạn tự miễn dịch, nọc độc của nhện đen có thể khắc chế bệnh loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy), hay nọc độc của rết có thể giúp giảm đau...

Con người đã sử dụng nọc độc của động vật để điều trị bệnh trong nhiều thế kỷ qua, chẳng hạn nọc ong được sử dụng như liệu pháp chữa trị nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh gút hay chứng hói đầu, rụng tóc từ thời cổ đại ở Hy Lạp, Trung Quốc và Ai Cập. Mặc dù vậy, gần đây các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu vào sức mạnh chữa bệnh của nọc độc.

“Vào thập niên 1980, 1990, mọi người sẽ không ủng hộ sử dụng nọc độc để bào chế thuốc”, tiến sĩ Glenn King, nhà nghiên cứu sinh vật học ở Đại học Queensland ở Brisbane (Úc) nói. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi bắt đầu từ thế kỷ này khi các nhà khoa học bắt đầu chú ý đến tác dụng nọc độc trong điều trị bệnh tật.

Nọc độc ở dạng tự nhiên vốn đã công dụng như những gì mà loại thuốc men đang làm, đó là, nhắm đến và điều chỉnh các phân tử quan trọng trong tế bào của chúng ta. Cũng giống như thuốc men, nọc độc có thể sửa đổi các quy trình sinh lý học quan trọng đang bị trục trặc do bệnh tật. Các nhà khoa học có thể sử dụng nọc độc để điều trị bệnh tật bằng cách kiểm soát liều lượng hoặc thay đổi thành phần hóa chất.

Tiến sĩ Glenn King cho rằng phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để tìm kiếm một loại nọc độc mới có tác dụng chữa bệnh và sau đó bào chế nó thành thuốc đưa ra thị trường.

Nọc độc rắn điều trị huyết áp cao

Anh-1Nọc độc của nhiều động vật bao gồm rắn đang được sử dụng rộng rãi để bào chế thuốc men chữa trị các loại bệnh hiểm nghèo. Ảnh minh họa: Wall Street Journal

Hiện nay trên thị trường có khoảng 6 loại thuốc được bào chế hoàn toàn từ nọc độc của động vật. Chúng mang lại lợi nhuận cao cho các công ty dược nhờ có khả năng cứu mạng bệnh nhân trong các trường hợp khẩn cấp. Chẳng hạn thuốc Captopril, được chiết xuất từ nọc độc của rắn Jararaca ở Brazil, có tác dụng hạ huyết áp. Loại thuốc này đã mang lại doanh thu hàng tỉ đô la Mỹ kể từ khi được giới thiệu ra thị trường vào năm 1981. Nó cũng tạo ra bước đột phá trong điều trị huyết áp cao và chỉ trong vài thập kỷ qua, số bệnh nhân cao huyết áp được cứu sống nhờ Captopril cao hơn số nạn nhân tử vong do bị rắn Jararaca và những loài rắn họ hàng của chúng cắn trong nhiều thế kỷ.

Thuốc Captopril và công dụng cứu mạng của nó đã khuyến khích cho hoạt động tìm kiếm nọc độc từ động vật để bào chế thuốc men. Một ví dụ đáng chú ý khác là Byetta, thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, được bào chế từ nọc độc của “quái vật” Gila, một loại thằn lằn độc sống ở các vùng sa mạc khô cằn ở Mỹ và Mexico.

Hợp chất exendin trong nọc độc của thằn lằn này được tiến sĩ John Eng, một nhà nghiên cứu nội tiết học, phát hiện ra đầu thập niên 1990. Exendin kích thích tuyến tụy sản suất insulin, một loại hormone giúp các tế bào kiểm soát đường trong máu. Nó có thể ngăn ngừa lượng đường xuống quá thấp hoặc ngăn chặn lượng đường tăng vọt, gây ra các tổn thương ở gan, thận, mặt và tay chân.

John Eng đã bào chế ra một phiên bản tổng hợp của exendin và đặt tên là exendin-4. Ông đã cho phép cho Công ty dược phẩm Amylin Pharmaceuticals (Mỹ) sử dụng exendin-4. Amylin đã hợp tác với Công ty dược phẩm Eli Lilly sản xuất thuốc tiêm Byetta dựa trên hợp chất exendin-4 để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đã cấp phép cho thuốc này vào năm 2005.

Các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu lão hóa quốc gia ở bang Maryland (Mỹ) phát hiện ra rằng exendin-4 không chỉ kích thích tuyến tụy sản xuất insulin mà còn kích thích tăng trưởng nơ ron tế bào thần kinh và điều này có nghĩa là trong tương lai, exendin-4 có thể được sử dụng để chữa trị những người bị chứng mất trí nhớ Alzheimer ở giai đoạn sớm.

Nọc độc chuột chù diệt tế bào ung thư

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu chữa các căn bệnh ung thư bằng nọc độc của động vật. Soricidin, một chất độc từ chuột chù đuôi ngắn đã được thử nghiệm trong điều trị ung thư vào năm ngoái. Chất độc này có trong nước bọt của chuột chù đuôi ngắn, có tác dụng làm tê liệt các con mồi (côn trùng). Khi sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư, nó có thể giúp ức chế protein TRPV6 dẫn truyền canxi có nhiều trong các tế bào ung thư, khiến các tế bào này tự chết.

Các loài động vật có nọc độc có thể được xem là những chuyên gia pha chế xuất sắc, với các công thức hóa chất chứa đến hàng ngàn thành phần. Đó là một trong những lý do để con người bảo tồn hệ sinh thái đang bị đe dọa bởi nếu các loài động vật có nọc độc tuyệt chủng, nhiều phương thuốc cứu mạng con người có thể bị vuột mất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ thu tiền gom rác theo kilogram từ 1-6

0
(SGTT) - Từ 1-6, TPHCM sẽ áp dụng mức thu phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt tính theo khối...

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa đổ ải

0
(SGTT) - Thời điểm này, người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang tất bật bước vào vụ trồng cấy...

Đề xuất chi hơn 5.000 tỉ đồng cho dự án chống...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, trước thực trạng nhiều điểm xung quanh chợ Thủ Đức ngập nặng trong thời gian qua, UBND thành phố Thủ...

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh...

0
(SGTT) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025), nhiều di tích, điểm du lịch...

Ngôi chùa được tôn trí xá lợi Phật tại Hà Nam

0
(SGTT) – Sau khi kết thúc thời gian chiêm bái tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, xá lợi Đức Phật sẽ được cung thỉnh...

TPHCM: Sẽ cấm xe khung giờ đêm ở nhiều tuyến đường...

0
(SGTT) - Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM sẽ bị cấm xe và hạn chế lưu thông một số khung giờ...

Kết nối