(SGTTO) - Ba ngày cầm lái những chiếc Ranger, Everest và những chiếc Raptor lên núi, “leo trèo” ở các mỏ than vùng “vàng đen” là một hành trình thú vị. Chỉ hơn 300km cho tổng hành trình nhưng cũng có thể gọi là đủ để khám phá về những điều mới mẻ.
Ranger, Everest và ngay cả Ranger Raptor không phải là các thương hiệu mới của Ford tại Việt Nam, thậm chí có thể nói là rất quen thuộc. Tuy nhiên, đây là những dòng xe thế hệ mới nhất của hãng này với động cơ, tính năng an toàn và thiết kế mới, ra mắt chưa quá lâu ở thị trường Việt Nam.
Cả ba mẫu xe này đều cùng được trang bị khối động cơ tăng áp kép dung tích 2.0L cùng với hộp số tự động 10 cấp cho phép sản sinh công suất tối đa 210 mã lực tại vòng tua 3.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 500 Nm. Chúng tôi bắt đầu hành trình Extraordinary Journey từ Hà Nội để về Tuần Châu.
Đua địa hình giữa những “người anh em”
Các tuyến đường cao tốc ở miền Bắc hiện nay có thể nói là rất tốt về mặt chất lượng cũng như quy mô so với mặt bằng chung cả nước. Tuyến Hà Nội – Hải Phòng cũng vậy, đường 6 làn xe và hai làn khẩn cấp. Đi trên tuyến này, chiếc Raptor đủ “không gian” để thể hiện sự mượt mà, “ngọt ngào” khi tăng tốc.
Lái Raptor trên cao tốc, cảm giác như đang lái một chiếc SUV đắt tiền. Xe đủ trang thiết bị, máy móc êm, không gian khoang lái rộng rãi... đó là những điều mà xe bán tải nói chung vẫn phải xếp sau một bậc, cho dù hiện nhiều hãng, ngay cả Ford, cũng đã rất chăm chút cho các dòng bán tải của mình. Raptor vẫn là Raptor, nó không phải là bán tải.
Không chỉ được nâng cấp về động cơ và hộp số, những chiếc xe trong hành trình là các sản phẩm được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn cũng như các công nghệ tiện nghi hiện đại như hệ thống dẫn động bốn bánh 4WD, hệ thống chống ồn chủ động Active Noise Control, hệ thống hỗ trợ đổ đèo, hệ thống cảnh báo làn đường, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động.
Hành trình buổi đầu vì thế mà nhàn hạ, không thể nói khác hơn. Đường rộng, mặt đường êm, xe thì “ngọt nước, ngon cơm”, lái xe như đi dạo. Thi thoảng, tự làm mới cảm giác bằng cách tăng tốc, vượt xe, chuyển làn... Nhưng, tuân thủ tốc độ tối đa 120km/h, muốn hay không thì vẫn có cảm giác ấm ức vì nhấn ga một chút thì xe đã vọt, đành phải ghìm chân. Những lúc ấy, lại thèm cảm giác được nhanh hơn một chút.
Quá trưa, chúng tôi vào Tuần Châu – vùng đất vẫn còn tấp nập xây dựng, từng dãy biệt thự hoàn thành vẫn chưa có nhiều người lưu dấu. Phố xá như “trời Tây”.
Cạnh đó, một khu vực đất trống đã được dựng thành một đường đua –Rally track. Hai chiếc xe để tham gia cuộc đua này không phải xe nào khác mà chính là “anh em” nhà Ford: Ranger Wildtrak và Ranger Raptor.
Đường đua do Liên Minh - đơn vị làm sự kiện dựng lên, một công ty đã từng làm rất nhiều sự kiện mang tính khám phá cho các hãng xe lớn tại Việt Nam thực hiện, gây cấn nhưng đâu đó rõ ràng, không đến mức gợi tưởng bất an cho những tay đua bất đắc dĩ.
Đây chính là nơi để Ford Ranger Raptor phô diễn thế mạnh của mình với những tính năng như chế độ lái Baja, hệ thống treo Fox cao cấp và sức mạnh đến từ động cơ tăng áp kép 2.0L.
Ranger hầm hố, đó là sự đương nhiên nhưng trong track đua này, được cầm lái bởi giới truyền thông – không phải các tay đua chuyên nghiệp, nó cũng trở nên dễ dàng bởi đa phần các chế độ lái, động cơ và hệ thống treo, khung gầm của Raptor đã hỗ trợ cho người lái quá nhiều. Cái còn lại, nhah hay chậm, bài đua có hoàn thành với điểm số cao hay không là do kỹ năng và độ “lì” của người cầm lái.
Trèo lên những mỏ than đá
Miền Bắc tháng Tư đã có những cơn mưa bất chợt, tối sầm trời đất. Đường vào vùng các mỏ than Quảng Ninh là một không gian đen nhánh, đen từ mặt đường đến từng vách núi, từng chiếc lá cây đang còn tươi nguyên.
Hôm chúng tôi vào mỏ than Đèo Nai, mưa lớn như trút. Sau mưa, mặt đường rất kỳ lạ bởi bụi than quyện với đất và nước mưa thành một lớp váng đen bóng, trơn láng. Tuy thế, đây chưa phải là một thứ khó nhằn khi những chiếc xe ngày nay được trang bị quá nhiều công nghệ hỗ trợ nhằm thích ứng với nhiều điều kiện địa hình khác nhau.
Với Ranger Wildtrak, Raptor và cả Everest, hệ thống kiểm soát địa hình (TMS) đã được trang bị trên xe. Trong đó, riêng Raptor sở hữu riêng một chế độ chạy đường địa hình với tốc độ cao Baja, kết hợp với hệ thống kiểm soát lực kéo khiến mọi thứ trở nên dễ dàng.
Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ đổ đèo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc hay hệ thống giảm thiểu lật xe đều phát huy được tốt vai trò của mình khi chiếc xe băng qua những con đường khó khăn, lầy lội một chút, trơn trượt một chút hay những khúc cua tay áo đầy bất ngờ.
Việc của người lái ở các khu mỏ than là ngắm cảnh, tránh các mép vực và tránh những “con quái thú” Caterpillar hầm hố có giá hàng triệu đô la mỗi chiếc dùng để vận chuyển than nội khu.
Trong nhiều năm liền, Ford chiếm vị trí độc tôn trong phân khúc xe bán tải tại thị trường Việt Nam; xếp sau đó là Chevrolet Colorado, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton... với “vài phen” vươn lên nhưng khó lòng gây đột biến. Đến giờ vẫn vậy. Bây giờ, với chiếc Raptor, hãng xe Mỹ lại càng không có đối thủ và góp phần tạo một thế lực riêng trong phân khúc xe này.
Hai ngày ở Quảng Ninh, vùng đất của những mỏ than, nói không ngoa, cứ mỗi mười chiếc bán tải xuất hiện ở đây thì hết chín chiếc có nguồn gốc Mỹ. Trong đó, một phần nhỏ là Colorado của Chevrolet, phần còn lại là Ford Ranger.
Bài: Nam Hưng
Ảnh: Thắng Milan, Hoàng Bảo