(SGTT) - Ghé thăm chợ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) trong những ngày này, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức vải thiều ngay tại chỗ và mua vải với giá thành khá rẻ.
Vải thiều Bắc Giang được trồng nhiều nhất ở huyện Lục Ngạn. Khoảng từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7 hằng năm, những khu chợ vải ở Lục Ngạn lại tưng bừng tiếng nói cười, đốc thúc, vừa rộn ràng lại vừa khẩn trương để kịp thời sơ chế và vận chuyển vải thiều đi các vùng trong nước hoặc xuất khẩu.
Chợ “phiên” mỗi năm họp một lần
Đường đi đến chợ vải Lục Ngạn rất thuận lợi. Từ Hà Nội, du khách di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy theo hướng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lên thẳng thành phố Bắc Giang.
Sau đó, đến ngã tư giao với Quốc lộ 31 (đường Lê Lợi), rẽ phải theo Quốc lộ 31, cứ thế đi thẳng 27km nữa là đến địa phận huyện Lục Ngạn.
Chợ vải Lục Ngạn nằm dọc hai bên đường Quốc lộ 31, kéo dài tới 20km từ xã Phượng Sơn đến xã Hồng Giang. Gọi là “chợ” vải cũng đúng mà gọi là “đường” vải cũng không sai, vì mỗi năm chợ này chỉ họp một lần duy nhất vào tầm tháng 6, tháng 7.
nhộn nhịp người buôn, kẻ bán
Đến chợ vải, du khách sẽ choáng ngợp với cảnh buôn bán vô cùng tấp nập. Hàng trăm cửa hàng, cơ sở thu mua vải nằm ở ven đường, những hàng dài xe máy chở vải nối đuôi nhau từ các khu vườn về địa điểm tập kết, rồi xe tải, container chất hàng nghìn tấn vải để vận chuyển đi các vùng khác hoặc xuất khẩu…
Trong các cơ sở thu gom vải, người lao động đang luôn chân luôn tay để vệ sinh quả vải, lọc bỏ những quả sâu, rụng, phân loại, cắt cuống, đóng thùng…
Hoạt động bán lẻ cũng được đẩy mạnh để phục vụ người dân trong vùng hoặc du khách ghé thăm. Giá vải phụ thuộc vào năng suất mùa vải và thay đổi theo buổi.
Buổi sáng, vải về ít giá khá cao, đến trưa vải về nhiều giá giảm đi đáng kể. Nếu muốn mua vải về làm quà, du khách hãy lưu ý chọn thời điểm đi gần trưa.
Chợ vải Lục Ngạn tuy không có dáng vẻ yên bình như những khu chợ vùng quê, không bảng lảng, mộng mị như chợ vùng cao, nhưng điểm độc đáo ở đây là nó chỉ có một mặt hàng duy nhất, chính là quả vải.
Ở đó, du khách nhìn thấy vẻ đẹp của người lao động, những dòng xe vải tấp nập tạo nên một con đường đỏ rực, thơm mùi vải đặc trưng báo hiệu mùa hè rực rỡ đã về.
Nguyễn Anh Đạt (Lipit)