LTS: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả kỳ thi này là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Sài Gòn Tiếp Thị chuyển tải những thông tin liên quan để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về kỳ thi chung này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết kỳ thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6 và bắt đầu ngay từ năm 2015. Theo đó, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6.
Giải đáp những vấn đề quan tâm
Kỳ thi chung quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích, vậy cách ra đề thi có quy định phần đề nào để xét tốt nghiệp THPT, phần nào để tuyển sinh ĐH, CĐ hay không? Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi không tách riêng phần nào để xét tốt nghiệp THPT, phần nào để tuyển sinh đại học. Nhưng, đề thi sẽ đáp ứng được yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản để học sinh có thể tốt nghiệp và có phần nâng cao, phân hóa để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Một số học sinh đã tốt nghiệp năm học 2013-2014 cho biết họ quan tâm rằng nếu năm nay muốn vào đại học thì phải làm thế nào? Ví dụ, nếu muốn được xét tuyển vào các ngành khối A thì liệu có phải thi lại các môn bắt buộc Văn và Ngoại ngữ không hay chỉ thi ba môn (Toán, Lý, Hoá)? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nói rằng các học sinh tốt nghiệp năm 2013-2014 nếu có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành yêu cầu kết quả thi môn Toán, Vật lý, Hóa học thì học sinh chỉ cần đăng ký thi ba môn là Toán, Vật lý, Hóa học.
Theo quy định, trước ngày 1-1-2015, tất cả các trường ĐH sẽ phải công bố phương án tuyển sinh. Nếu trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển thì thí sinh cần phải đăng ký thi ở kỳ thi chung. Nếu trường tổ chức tuyển sinh riêng thì thí sinh sẽ đăng ký thi ở trường. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh.
Nói về môn tự chọn và sự ảnh hưởng đến khối thi ở các trường ĐH mà thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển. Ông Nghĩa cho biết thí sinh có thể chọn số môn thi nhiều hơn bốn môn để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH. Nếu ai có nguyện vọng xét tuyển vào một ngành mà sử dụng kết quả của môn Toán, Lý, Hóa và môn thứ tư thí sinh đã chọn là Địa lý thì bắt buộc họ phải thi thêm Vật lý và Hóa học.
Nói thêm về điều này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết việc thí sinh chọn thi thêm các môn để tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào công bố của các trường. Theo quy định, trước ngày 1-1-2015, các trường ĐH, CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh của mình, trong đó có mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh. Thí sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu của trường, kết hợp với nguyện vọng và mong muốn của mình để đăng ký thi thêm môn thi phù hợp với từng ngành cụ thể.
Quy chế sẽ cho phép thí sinh đăng ký tối đa tới tám môn thi, để thể hiện hết năng lực của mình và tăng thêm cơ hội vào trường ĐH, CĐ.
[box type="download"] Thời gian và phương thức thi
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi chung quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6 và bắt đầu ngay từ năm 2015. Theo quy chế sơ bộ, các sở GD&ĐT sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3, nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về bộ vào giữa tháng 4 mỗi năm.
Áp dụng thi tự luận, thời gian 180 phút cho các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
Áp dụng thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Đề - môn thi
Thí sinh thi bốn môn tối thiểu gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.[/box]
Tạo thuận lợi trong xét tuyển
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để tạo điều kiện cho những thí sinh chỉ muốn dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT và không có nhu cầu thi ĐH, bộ sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Những thí sinh này sẽ không thi chung cụm thi với những thí sinh có nguyện vọng thi ĐH. Cách làm này để tránh trường hợp thí sinh phải di chuyển xa, gây tốn kém vất vả không cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, cả hai đối tượng thí sinh ở hai loại cụm thi đều vẫn thi chung một đề. Đề thi sẽ được thiết kế để đánh giá thí sinh làm được ở mức độ nào thì có thể đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT và quy định mức điểm chuẩn để tốt nghiệp phù hợp. Đối với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các Sở GD&ĐT.
Liên quan đến cách xét tuyển tốt nghiệp THPT qua kỳ thi THPT quốc gia, năm 2014 cách thức xét công nhận tốt nghiệp như sau: kết quả bốn môn thi (50%) + kết quả điểm trung bình cả năm lớp 12 (50%) + điểm khuyến khích (nếu có). Năm 2015 cách thức xét công nhận tốt nghiệp vẫn giữ ổn định như năm 2014.
Minh Đức