(SGTT) – Chiều 10-6, Bộ Y tế thông báo có thêm 61 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2 ca cách ly nagy khi nhập cảnh tại Tây Ninh. Đồng thời, Bộ Y tế cảnh báo đến người dân tình trạng lừa đảo tiêm vắc-xin Covid-19 hiện nay.
- Nga xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V tại Việt Nam
- Gần 6.000 tỉ đồng đã được đóng góp vào Quỹ vắc-xin, dự kiến tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên
Cả nước thêm 61 ca mắc Covid-19 mới
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 12:00 đến 18:00 ngày 10-6, cả nước có thêm 61 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh, 59 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (23), TPHCM (20), Bắc Ninh (12), Tiền Giang (2), Hà Tĩnh (2). Theo đó, 57 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Đồng thời, 72 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày hôm nay.
Cụ thể, ca bệnh BN9724, BN9728, BN9732, BN9736-BN9745, BN9749-BN9753, BN9755, BN9757-BN9758, BN9760, BN9762 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- Ca bệnh BN9725-BN9727, BN9729-BN9731, BN9733-BN9735, BN9746-BN9748 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 10 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm. Kết quả xét nghiệm ngày 10-6-2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- Ca bệnh BN9754, BN9756 ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang: đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
- Ca bệnh BN9763-BN9782 ghi nhận tại TPHCM: 03 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 17 ca là các trường hợp F1; đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- Ca bệnh BN9783-BN9784 ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh: là F1 của BN9567; đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh.
Xuất hiện tình trạng lừa đảo mời tiêm vắc-xin Covid-19
Theo trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Bộ Y tế, hiện nay nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng xuất hiện.
Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc-xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.
Bộ Y tế nhấn mạnh, để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc-xin giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất, hạn chế thông qua bên trung gian, trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.
Đồng thời, các loại vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Mỗi lô vắc-xin khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, kiểm soát cấp phép lưu hành.
Các lô vắc-xin nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc-xin theo quy định. Tất cả vắc-xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin, tổ chức quốc tế để mua, nhập khẩu số lượng lớn vắc-xin để tổ chức tiêm chủng cho tất cả người dân sinh sống tại Việt Nam. Vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt được tiêm khi cơ quan y tế thông báo.
Các cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm vắc-xin tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Người dân tuyệt đối không tiêm những loại vắc-xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Ngoài ra, khi phát hiện các thông tin liên quan tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.
Cảnh báo lừa đảo phát khẩu trang có tẩm thuốc mê
Ngày 9-6-2021, thông tin từ Công an thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cho biết một thủ đoạn lừa đảo mới vừa xuất hiện trên địa bàn. Nhiều đối tượng đã giả danh cán bộ, nhân viên y tế đến nhà phát khẩu trang tẩm thuốc mê để chiếm đoạt tài sản.
Nhóm đối tượng có từ 3 đến 5 người đã tìm hiểu trước thời điểm vắng người hoặc những gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ để tiếp cận. Chúng giới thiệu là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương hoặc cán bộ y tế xã, phường đến để điều tra về tình hình sức khoẻ. Các đối tượng này đeo thẻ như cán bộ công chức, đeo khẩu trang bịt kín hoặc mặc quần áo bảo hộ.
Chúng cho biết, đang có chương trình phát khẩu trang miễn phí cho người dân nhằm nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh, nhưng thực chất những chiếc khẩu trang này đã được tẩm thuốc mê. Khi nạn nhân đeo vào sẽ bị hôn mê và các đối tượng sẽ lục soát lấy tài sản có giá trị rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Công an thành phố Rạch Giá đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Trong trường hợp có người tự xưng là cán bộ Nhà nước đến kiểm tra, người dân cần cẩn trọng xác minh, tuyệt đối không mở cửa cho người lạ vào nhà.
Hiệp Trần - Minh Hoàng tổng hợp