(SGTTO) - Bác Trần Ngọc Công, 66 tuổi ở Hà Nội đã sống chung với bệnh gout (gút) trong 10 năm nhưng từ khi chuyển sang chạy bộ, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, bác đã không phải dùng thuốc nữa. Sài Gòn Tiếp Thị chia sẻ câu chuyện của bác Công – bằng việc chạy bộ thường xuyên đã đánh bay bệnh gout.
Tôi không phải là bác sĩ nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi cho rằng bệnh tật của con người thường có hai dạng, đó là do thiếu hoặc thừa dinh dưỡng. Đối với bệnh thiếu dinh dưỡng thì bổ sung những chất đang thiếu. Bệnh thứ hai là bệnh xuất hiện do thừa dinh dưỡng. Người bị bệnh này ăn uống khi nào cũng kiêng cữ nhiều như bệnh gout thì không ăn hải sản, thực phẩm chứa nhiều đạm, uống bia rượu, bệnh tiểu đường thì ăn ít hoặc không ăn tinh bột…
Khi bị bệnh thừa dinh dưỡng, như trường hợp của tôi - bị bệnh gout, ngoài việc kiêng cữ khi ăn uống, tôi phải uống thuốc tây y, thuốc bắc quanh năm chỉ để “kiềm chế” cơn đau tạm thời chứ không thể hết bệnh. Việc uống nhiều thuốc cũng khiến cho gan, thận bị ảnh hưởng vì hai cơ quan này có chức năng lọc các chất độc trong cơ thể, không cần có bằng cấp chuyên môn thì nhiều người trong chúng ta đều biết điều này.
Tôi bị bệnh gout hơn 10 năm và chừng ấy thời gian uống đủ các loại thuốc tây, thuốc bắc và dù đã uống tất cả các loại thuốc nhưng bệnh không giảm mà ngày càng nặng thêm, có tháng có 3-4 lần bị lên cơn đau. Đúng là uống thuốc tây cũng giúp tôi đỡ chút nhưng lúc đó trong tôi lại có một lo lắng khác, đó là sợ sẽ ảnh hưởng đến thận. Nói chung, với những người có bệnh trong người, họ sẽ “vái tứ phương” nên được ai giới thiệu có cách chữa được bệnh thì tìm cách làm theo. Tôi không thoát khỏi tâm lý ấy.
Rồi tôi chợt nghĩ, nếu bệnh của mình do thừa chất, sao không tìm cách “tống chất thừa” ra khỏi cơ thể. Nếu chất đó không thể dùng thuốc để tống ra, vậy có thể dùng sự vận động để đào thải qua đường mồ hôi được không?
Nghĩ sao làm vậy. Tôi lao vào tập thể dục. Hằng ngày tôi đạp xe mấy chục km, rồi chuyển qua bơi 1-2km. Một thời gian sau, bệnh tình có chút thuyên giảm dù thỉnh thoảng vẫn lên cơn đau. Biết mình đang đi đúng hướng.
Tết Đinh Dậu (2017), sau thời gian ăn tết với gia đình, người thân, tôi quyết định một việc mà nhiều người coi đó là liều lĩnh - đi bộ từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau với bệnh gout trong người. Chuyến đi đó kéo dài 2,5 tháng. Đó là một chuyến đi dài, với một người bình thường đã là một thử thách, đằng này, với một ông già bước vào tuổi 65 lại có bệnh gout trong người. Dù vậy, sau 2,5 tháng, tôi đã có mặt ở mũi Cà Mau.
Chuyến đi ngoài cho tôi những kỷ niệm đẹp, gặp những người bạn trẻ trên đường còn giúp cho bệnh gout của tôi giảm đi ít nhiều. Tôi vui vì điều đó.
Trở lại Hà Nội, tôi quyết định nâng cường độ tập nặng hơn bằng việc chuyển qua chạy bộ. Tôi đặt mục tiêu cho chính mình là mỗi tuần chạy 5 buổi, mỗi lần chạy 5km, còn cuối tuần sẽ chạy từ 15-20km.
Thế rồi, sau gần một năm tập luyện, tôi không còn bị lên cơn đau nữa. Để có động lực, tôi cũng đăng ký chạy giải marathon như giải Ecopark marathon vào tháng 4-2019.
Tại giải này, tôi đã hoàn thành cự ly bán marathon 21 km, đứng vị trí 600/1000 người chạy. Một kết quả mà với một ông già như tôi là một sự khích lệ.
Từ khi chuyển qua chạy bộ mỗi ngày đều đặn, tôi không còn uống thuốc trị bệnh gout nữa và ăn uống bình thường, không còn kiêng cữ như trước đây.
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình để những anh chị em nào đang có bệnh này, thử chạy bộ xem sao. Dĩ nhiên, mỗi người có một cơ địa khác nhau nên tôi không dám khẳng định chạy bộ sẽ hết bệnh gout nhưng chí ít tôi cũng đã chia sẻ một “phương thuốc” chữa gout mà tôi đã áp dụng và đã cho kết quả tích cực.
Nếu bạn là người đang bị bệnh gout và đang phải uống thuốc mỗi ngày, hãy thử mang giày vào chạy bộ đều đặn mỗi ngày xem sao. Các bạn đã thử nhiều toa thuốc chữa bệnh gout khác nhau rồi, vậy nên, thử thêm toa thuốc “chạy bộ mỗi ngày 5km”, biết đâu, điều “thần kỳ” lại xuất hiện.
Trần Ngọc Công (Hà Nội)