Ethylene Oxide được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm.
- Acecook nói gì khi mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland vì có chất cấm sử dụng?
- Lo ngại mì Hảo Hảo có chứa chất Ethylene Oxide, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra quy trình sản xuất của Acecook Việt Nam
Liên quan đến việc mì Hảo Hảo và miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam bị thu hồi bởi Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) do có chứa chất Ethylene Oxide, hiện Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam báo cáo rõ nguyên nhân, nguồn gốc, hàm lượng của Ethylene Oxide trong thực phẩm nêu trên cũng như khả năng có mặt của chất này trong các sản phẩm khác hiện đang được sản xuất, tiêu thụ tại Việt Nam và các quốc gia khác.
Theo Vietnamplus, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Ethylene Oxide (EO) hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.
Về ứng dụng và mục đích sử dụng, EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).
Còn ở châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép và ngưỡng EO trong thực phẩm được quy định tại Regulation (EC) 396/2005 về mức tồn dư tối đa của thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm.
Tại quy định trên, MRLs (ngưỡng tồn dư tối đa cho phép) cho EO (tổng) đối với ngũ cốc là 0,02mg/kg; một số loại gia vị (hạt hồi, hạt cần tây…) là 0,1 mg; sản phẩm nguồn gốc động vật là 0,02 mg…
Ông Hòa cũng nhấn mạnh, tại Việt Nam, Ethylene Oxide không nằm trong danh mục các chất được có mặt trong thực phẩm như: Giới hạn dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm tại Thông tư 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016; Danh mục Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019; Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam tại Thông tư 05/2018/TT-BYT ngày 5/4/2018...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đang chờ ý kiến từ các Cục, Vụ liên quan đối với sự xuất hiện chất Ethylene Oxide trong sản phẩm mỳ Hảo Hảo và miến Good. Khi có kết quả, Cục sẽ thông tin sớm nhất đến người tiêu dùng.
Minh Thảo
Theo Vietnamplus
Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.Tháng 12-2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế Mỹ (IARC) phân loại Ethylene Oxide là chất gây ung thư. Bằng chứng của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy phơi nhiễm Ethylene Oxide qua đường hô hấp có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư hệ tạo lympho như bạch cầu lymphocytic, u tủy và u lympho không Hodgkin. Ngoài ra, việc tiếp xúc Ethylene Oxide cũng có thể liên quan đến ung thư gan, phổi, thận, dạ dày và ung thư vú.