Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Chàng trai miền Tây khởi nghiệp du lịch xanh từ chính ngôi nhà của mình

(SGTT) - Chọn mô hình du lịch xanh cùng khai thác tài nguyên bản địa sẵn có tại chính quê hương Bến Tre là một hành trình không hề dễ dàng với anh Quách Duy Thịnh. Nhưng giờ đây, anh đã biến giấc mơ ấy từng bước thành hiện thực.

Phòng nghỉ và phòng khách đầy mảng xanh dành cho khách lưu trú tại homestay của anh Quách Duy Thịnh.

Khởi nghiệp từ tình yêu quê hương

Đầu năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 chuyển biến xấu đi, nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch bắt đầu cắt giảm nhân sự. Anh Quách Duy Thịnh (sinh năm 1992, quê Bến Tre) lúc đó đang là phó giám đốc cho một resort tại Bến Tre cũng đành phải tự nghỉ việc để giảm bớt gánh nặng cho công ty sau nhiều năm gắn bó.

Ngôi nhà cấp bốn nép dưới những tán dừa được anh Quách Duy Thịnh sửa chữa lại để làm homestay.

Không nản lòng buông xuôi, anh Thịnh trở lại chính quê hương nơi mình sinh ra thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và quyết định sửa lại căn nhà cấp bốn để bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình homestay mà anh ấp ủ từ khi còn là sinh viên.

“Đại dịch Covid-19 mang đi những cố gắng mà tôi đã chắp cánh và vun đắp xây dựng trong suốt nhiều năm qua. Nhưng bên cạnh đó cũng cho tôi nhiều thử thách và cơ hội để làm mới mình trong thời điểm khó khăn như thế này”, anh Quách Duy Thịnh chia sẻ.

Với khoảng sân hiên này, du khách có thể tự do đọc sách cũng như thư giãn.
Anh Quách Duy Thịnh (trái) giới thiệu và đưa khách đạp xe qua những miền quê.

Nhận thấy xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi trong tình hình dịch bệnh, anh Thịnh đã sửa lại căn nhà mình đang ở và đưa du khách trở về miền quê thôn dã bằng những ký ức tuổi thơ cùng những món ăn đậm đà bản sắc quê hương.

Huyện Giồng Trôm cách TPHCM chỉ hơn 100 km, từ lâu được biết đến với những hàng dừa bạt ngàn mướt xanh trên dải cù lao. “Từ khi còn là học sinh đạp xe đi học trên những cung đường quê thì tôi đã lấy làm mê mẩn. Đến khi lên TPHCM học, tôi lại càng yêu quê hương một cách da diết và tự hứa với lòng một ngày không xa sẽ đưa du khách đến quê mình và giới thiệu cảnh vật cùng con người hiền hòa đôn hậu nơi đây’’, anh Thịnh nói.

Dừng chân ở làng bánh phồng Sơn Đốc là một trong những điểm trải nghiệm dành cho du khách.

Anh Thịnh nhiều lần đi khảo sát cùng chiếc xe đạp của mình để tìm những cung đường đậm chất miệt vườn dành riêng cho du khách. Bên cạnh đó, anh cũng tự tay trang trí lại ngôi nhà đậm chất hoài niệm để du khách cảm thấy ấm cúng khi lưu trú.

Cuối năm 2020, ngôi nhà cấp bốn mà anh nâng cấp sửa chữa đã khoác lên mình một diện mạo mới mang tên Maison du Pays de Bến Tre homestay có địa chỉ tại ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Chương trình trải nghiệm 100% dựa vào tài nguyên bản địa

Du khách đến với homestay của anh Quách Duy Thịnh không chỉ là lưu trú mà ở đó còn rất nhiều chương trình trải nghiệm sáng tạo. Điển hình như du khách có thể đặt riêng cho mình những buổi học làm các loại bánh quê, hay du khách cùng anh Thịnh nấu cơm nếp ăn kèm tép bạc đất rang nước cốt dừa. Anh và khách du lịch vừa thực hành nấu nướng, vừa tương tác và truyền đạt kinh nghiệm để tạo ra những món ăn thật ngon và tròn vị.

Chương trình làm bánh khọt giúp du khách tự do trải nghiệm sáng tạo.

Bên cạnh đó, homestay của anh Thịnh cũng dành ra vài tiếng đồng hồ mỗi ngày cho du khách để cùng nhau đạp xe ngắm cảnh miệt vườn. Đó có khi chỉ là đạp xe trên đường để xem cảnh sinh hoạt hoặc quan sát những người dân chài đánh bắt trên những con sông quê.

Du khách đạp xe dưới những rặng dừa mướt xanh nơi miền quê thôn dã.

“Chương trình trải nghiệm của tôi còn đưa du khách vào những nhà vườn để tự tay hái bưởi, hái rau càng cua mang về homestay làm gỏi cũng như tăng sự phong phú trong mỗi bữa cơm cho du khách’’, anh Thịnh kể.

Bữa cơm đồng quê với cà tím mỡ hành, canh rau nhút nấu cùng tép bạc đất.
Du khách dừng chân ven đường để học cách người địa phương chuốt tàu cau làm chổi quét nhà.

“Vườn dừa của tôi năm trước bị ảnh hưởng hạn mặn nên bị mất giá. Nhờ liên kết với anh Quách Duy Thịnh để đưa du khách đến tham quan và thưởng thức dừa tươi tại vườn nên giờ tôi cảm thấy trái dừa do mình trồng ra trở nên có giá trị, cảm thấy vui vui”, anh Trần Minh Thư, chủ vườn dừa Tám Thư, bày tỏ.

Ngoài dịch vụ lưu trú cùng những cung đường trải nghiệm dành cho du khách, anh Quách Duy Thịnh cũng chú ý tới những món ăn mang bản sắc địa phương. Anh luôn hướng tới những sản vật bản địa như canh chua cá bông lau, cháo cá lóc đồng ăn kèm rau đắng đất hay tôm càng xanh nổ muối hột lá bưởi. Những món ăn này vừa đậm đà phong vị đồng quê lại còn có ý nghĩa giới thiệu đến du khách về sự trù phú của một vùng quê nơi được anh sinh ra và nặng lòng yêu thương.

Khái Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề