(SGTT) - Ngày 15-3-2022, du lịch Việt Nam sẽ chính thức mở lại trong điều kiện bình thường mới. Cũng như nhiều doanh nhân khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, anh Nguyễn Ngọc Toản, CEO Công ty Image Travel & Events, thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho sự trở lại.
“Cháy” hết mình với ngành công nghiệp không khói
8 năm lăn lộn với nghề hướng dẫn viên (HDV) rồi sau đó thành lập công ty lữ hành, CEO Nguyễn Ngọc Toản đã có nhiều trải nghiệm cũng như tình yêu gắn bó với ngành du lịch. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, chàng cựu sinh viên khoa tiếng Pháp của trường Đại học Sư phạm TPHCM rong ruổi theo những tour khám phá miền Bắc hay các tour xuyên Việt dài ngày.
Khi thành lập công ty và đóng vai trò quản lý, mục tiêu cao nhất của anh là cung cấp cho khách trong nước cũng như khách quốc tế những sản phẩm tour, sự kiện có giá trị tinh thần cao và mỗi người tham gia đều tận hưởng những giá trị của riêng mình.
Năm 2011, cùng với các đối tác tại Campuchia, anh thành lập Image Cambodia Travel để phát triển sản phẩm tour tuyến vùng Đông Dương. Một năm sau đó, anh quyết định mở trang mạng kinh doanh tour trực tuyến, “may đo” cho thị trường khách nói tiếng Pháp: mekongvillages.com.
Năm 2013, công ty tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch ở khu vực Đông Dương, đặc biệt là tour trọn gói ở Thái Lan và Myanmar.
Ở Việt Nam, hình thức tiếp nhận khách quốc tế từ hãng du lịch đầu mối qua công ty lữ hành địa phương phát triển rất mạnh trong thời gian qua. Image Travel & Events cũng đã thành công với xu hướng này khi là đơn vị tổ chức tour tại địa phương cho Evaneos (mạng lưới du lịch khách online lớn nhất thế giới), BT Tours, Amerasia, Sol’inn Tours và nhiều hãng quốc tế khác.
Năm nay, cùng với việc mở cửa đường bay quốc tế đón khách du lịch trở lại Việt Nam, ngoài công tác xây dựng hình ảnh văn phòng du lịch thân thiện, năng động, phục vụ khách du lịch nội địa, Image Travel & Events sẽ tiếp tục vươn lên khẳng định mình, tiếp nhận khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch nói tiếng Pháp đến Việt Nam và các quốc gia lân cận tại châu Á.
Anh chia sẻ, ở bất kỳ thời điểm nào, công ty tập trung thị trường nào, thì anh vẫn trung thành triệt để triết lý của mình: trân trọng tính cá nhân, tính khác biệt của từng nhóm khách trong mục đích mang lại những giây phút tận hưởng riêng biệt theo mỗi sản phẩm tour hay sự kiện.
Du lịch có trách nhiệm
Trong bối cảnh Việt Nam mở lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp không khói của chúng ta cần định vị lại thương hiệu quốc gia, truyền thông rộng rãi hơn, nhắm tới chất hơn lượng, tập trung vào thị trường mục tiêu và bền vững khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại.
Để phát triển, du lịch Việt cần định hướng bền vững và có trách nhiệm dựa trên những yếu tố căn bản: gìn giữ tài nguyên môi trường; trách nhiệm văn hóa xã hội; phát triển kinh tế địa phương; tạo công ăn việc làm, trả lương ổn định cho người dân địa phương; khách hàng thoả mãn và doanh nghiệp có lợi nhuận.
Đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài, anh hiểu rõ vấn đề du lịch có trách nhiệm. Tham gia sự kiện ra mắt Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT mới đây, CEO Nguyễn Ngọc Toản chia sẻ, du lịch có trách nhiệm luôn gắn với các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội. Ở nước ngoài, khái niệm này không hề xa lạ, nhưng ở Việt Nam, nhận thức của người dân vẫn còn khá hạn chế.
“Phát triển du lịch có trách nhiệm là chúng ta phải suy nghĩ đến việc môi trường đang bị xâm hại, đến tình trạng đa dạng văn hóa bản địa đang bị xói mòn từng bước, đến chuyện kinh tế cộng đồng còn khó khăn, vì sự bền vững chung của đất nước và tìm cách giảm thiểu tối đa những vấn nạn này”, anh nói.
Tại lễ ra mắt WAFORT cùng với các thành viên, tình nguyện viên, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, đại diện các trường đại học và đơn vị truyền thông, anh cam kết hành động vì ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, lâu dài, để nhận thức về du lịch có trách nhiệm ngày càng được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Đinh Nam