(SGTT) - Căn nhà 3 lầu ở số 368 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, TPHCM trước kia là hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân. Đây vốn là cơ sở hoạt động của bà Phạm Thị Chinh, một trong những cán bộ, chiến sĩ của đội biệt động Sài Gòn hoạt động trong nội thành giai đoạn năm 1953.
- Từng trở thành F0, tình nguyện viên khỏi bệnh vẫn tiếp tục tham gia hỗ trợ cộng đồng
- Hơn 80.000 “phần ăn nghĩa tình” được trao đến tay người dân khó khăn mùa dịch
- TPHCM thí điểm “thẻ xanh Covid-19” cho những nhóm cụ thể
Điểm di tích này hiện đang trong quá trình phục dựng để tái hiện một thời kỳ lịch sử của Sài Gòn, nay được gấp rút sửa thành trạm trung chuyển các F0 trong khi chờ nhập viện để tránh các thương vong đáng tiếc có thể xảy ra.
Chứng tích lịch sử
Căn nhà ngay trên mặt tiền con đường sầm uất nhất tại khu Tân Định lúc bấy giờ là nơi chứng kiến tình yêu đẹp của bà Chinh, một tiểu thư giàu có hoạt động tình báo từ miền Bắc vào Nam học nghề thợ kim hoàn từ hai người cậu ruột là chủ hiệu vàng Phú Xuân và chủ hiệu vàng Vĩnh Xuân, cùng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai (lúc bấy giờ là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, hay bí danh khác là Năm U.SOM).
Ông Lai và bà Chinh là hai đồng chí cùng trong nhóm hoạt động nội thành của biệt động Sài Gòn. Tình bạn, tình đồng chí trong những chiến đấu đầy hiểm nguy đã chuyển thành tình yêu và từ vợ chồng trên danh nghĩa, ông Lai và bà Chinh thực sự trở thành về chung một nhà chỉ hơn một năm sau khi gặp nhau.
Ông bà với sự khéo léo, tài năng, mưu trí và dũng cảm đã từng bước thâm nhập hợp pháp vào các cơ sở của địch trong vai nhà thầu khoán chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập – là cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn cũ để hoạt động tình báo.
Từ căn nhà tiệm vàng này, vợ chồng ông Lai, bà Chinh còn chuyển tiền vàng bạc cá nhân và thuốc men phục vụ cho cách mạng. Bà Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba), giao liên Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ năm 1962-1969, ngụ ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi xác nhận: “Giai đoạn làm giao liên cho chú Năm Lai, tuần nào chú cũng về Củ Chi gửi cho tôi một gói lớn toàn tiền mặt, có khi là thuốc tây, để tôi chuyển ra Khu. Tôi không biết bao nhiêu tiền nhưng biết là nhiều lắm, có nhiều lần cả cọc toàn là tiền đô la Mỹ”.
Năm 1963, cô Chinh đã hy sinh khi đứng ra bảo lãnh cho cán bộ cách mạng bị giặc bắt. Còn ông Lai nén đau thương, càng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao, vẫn tiếp tục kế hoạch mua nhà đào các căn hầm chứa vũ khí, che giấu cán bộ giữa nội thành Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Thành điểm trung chuyển F0
Từ căn nhà di tích lịch sử mà thế hệ sau này chưa có cơ hội được tìm hiểu, vài tháng qua, những chuyến hàng cứu trợ gồm thuốc men, thiết bị y tế vẫn ngày đêm chuyển đến những nơi người dân cần như hơn 60 năm trước.
Hơn thế nữa, anh Trần Vũ Bình (con trai ông Trần Văn Lai) đã trang bị 20 giường bệnh, bình oxy, thuốc… cần thiết để làm “trạm thu dung” các bệnh nhân F0 nhiễm Covid-19 chờ cấp cứu hay không có điều kiện cách ly tại nhà để giúp theo dõi và giảm tải phòng chờ cho bệnh viện.
Việc làm tưởng nhỏ mà ý nghĩa lại vô cùng lớn. Chắc chắn ông Lai và bà Chinh – hai chiến sĩ kiên cường yêu nước xưa kia sẽ yên tâm rằng con cháu họ không chỉ gìn giữ, phục dựng di tích mà còn làm cho nơi đây trở nên sống động và có ích hơn bao giờ hết.
Sản phẩm du lịch tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn với dấu ấn những khu phố xưa của khu Tân Định và hoạt động tình báo của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn chắc chắn sẽ có thêm chi tiết các hoạt động thời bình ngày nay.
Trước đó, những ngày đầu bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TPHCM, Câu lạc bộ truyền thống khối vũ trang biệt động Sài Gòn và con em của các chiến sĩ biệt động xưa đã nhanh chóng tập hợp thành nhóm tình nguyện viên và tham gia cùng tuyến đầu thành phố chống dịch.
Các điểm di tích như quán cà phê Đỗ Phủ, hầm vũ khí bí mật, bảo tàng thông minh biệt Động Sài Gòn… đã trở thành điểm tập kết hàng hóa cứu trợ trong mùa dịch từ lương thực, thực phẩm, rau củ quả đến thuốc men, bình oxy, máy thở... cho các khu phong toả, cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn TPHCM.
Cuộc chiến chống Covid-19 của thành phố và người dân có thể vẫn còn tiếp tục và kéo dài, tuy nhiên, tất cả vẫn mang niềm tin và hi vọng sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống người dân sớm trở lại hoạt động bình thường.
Phan Yến Ly