(SGTT) - Tại quận 6 (TPHCM) có một tiệm bánh được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nổi tiếng nhờ món bánh pía thơm ngon. Đây là món bánh truyền thống thường được dùng vào các dịp cưới hỏi, Trung thu của người Triều Châu (Trung Quốc).
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2021/04/14.jpg)
Được biết, tiệm bánh có tên Triệu Minh Hiệp, nằm khép mình trong một con hẻm thuộc đường Bình Tây, quận 6. Hơn 70 năm qua, tiệm bánh vẫn ngày ngày cho ra lò những mẻ bánh pía thơm ngon để phục vụ những người yêu thích món bánh này. Đối với nhiều người, đây còn là món bánh tuổi thơ của họ.
Anh Triệu An, chủ tiệm bánh chia sẻ “Người Tiều thường ăn bánh pía vào dịp cưới hỏi, Trung Thu. Trước đây, chỉ có người Tiều là ăn bánh pía nhiều, sau này bánh ngày càng phổ biến, thậm chí lượng khách người Việt còn đông hơn người Hoa”.
Theo đó, mẻ đầu tiên ra lò vào lúc 9:00 sáng và cứ một mẻ thì được hơn 20 hộp. “Có lẽ chính sự tươi mới của bánh pía mà người tiêu dùng rất yêu thích và thường xuyên ủng hộ tiệm”, anh Triệu An cho biết thêm.
Về công đoạn làm bánh, đầu tiên, người thợ sẽ nhào bột để làm phần da bánh, nguyên liệu gồm bột mì, dầu, mỡ. Trong đó, phần bột mì sẽ sử dụng loại bột có chất lượng của Nhật Bản. Tiếp đó, đến phần nhân bánh được người thợ vò 2 loại nhân là đậu xanh và khoai môn. Nếu dùng trứng muối, thực khách vẫn có thể yêu cầu cho thêm vào bánh.
Sau đó, bánh đem đi gói và nướng với thời gian và độ lửa theo bí quyết riêng. Điểm khác biệt của bánh pía ở đây so với các loại bánh pía khác là da sẽ mỏng và nhiều nhân hơn.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2021/04/13-1.jpg)
Ngoài bánh pía, tiệm Triệu Minh Hiệp còn nổi tiếng với món kẹo đậu phộng, kẹo mè trắng, kẹo dẻo. “Vì tiệm nổi danh nhờ những thứ bánh kẹo này nên mọi nguyên liệu làm ra phải chất lượng, mình làm bằng cái tâm, làm gì cũng giữ sức khỏe cho khách”, anh Triệu An chia sẻ. Sau đây là một số hình ảnh phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận lại quy trình làm ra một mẻ bánh pía.
Hương Trà – Anh Quỳnh